Theo kế hoạch liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào chiều ngày mai (5/5) do thứ năm (1/5) là ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (tức ngày nghỉ lễ thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5).

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu phía Nam cho biết, sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô đồng loạt giảm mạnh. Vì vậy, nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày mai.
Cụ thể, giá xăng dự kiến giảm khoảng 100-450 đồng/lít, dầu diesel có thể giảm 150-350 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Bên cạnh đó, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo giá xăng dầu sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày mai. Ngày 2/5, chiết khấu xăng dầu tại một số kho đã lên mức 1.100-1.600 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng RON 95 trong nước sẽ quay đầu giảm chỉ sau một phiên tăng. Hiện tại, giá nhiên liệu này vẫn ở mức thấp nhất 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 5/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 9 lần, giảm 8 lần. Dầu diesel có 8 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 24/4, cơ quan điều hành quyết định tăng 740 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 19.230 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 780 đồng/lít, lên 19.630 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 490 đồng/lít lên 17.520 đồng/lít, dầu hỏa tăng 530 đồng/lít lên mức 17.710 đồng/lít; dầu mazut tăng 560 đồng/kg lên 16.520 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá dầu gần đây liên tục giảm do tâm lý thận trọng của thị trường trước cuộc họp OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh) về chính sách sản lượng, cùng với lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng dầu thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 6 bất chấp giá dầu giảm và lo ngại về nhu cầu yếu. Theo đánh giá từ nhóm các nước sản xuất dầu mỏ, thị trường dầu toàn cầu hiện vẫn duy trì nền tảng ổn định với các yếu tố cơ bản vững chắc, trong khi lượng tồn kho tiếp tục ở mức thấp, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu, đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với người mua dầu của Iran. Những động thái này đã tạo thêm áp lực lên giá dầu.
Theo dữ liệu của Trading Economics, 10h ngày 4/5, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 58,29 USD/thùng, giảm 7,51% so với tuần trước; tương tự, dầu Brent cũng ở mức 61,29 USD/thùng, giảm 6,85%.