Phối cảnh lập dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê
Không có “lỗi vị trí”
Cuối năm 2017, UBND huyện Hương Khê khảo sát, lập dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vùng Khe Nác, xã Gia Phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai không được người dân đồng thuận vì lo ngại về ô nhiễm môi trường.
“Tôn trọng ý kiến của người dân, UBND huyện đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng sang khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy (vị trí số 1). Mọi công đoạn chuẩn bị: Báo cáo nghiên cứu khả thi; đánh giá tác động môi trường; thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; lựa chọn nhà thầu, bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được UBND tỉnh phê duyệt” - Phó Trưởng BQL Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Đến nay, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy đã hoàn thành.
Thế nhưng, khi bắt tay triển khai, dự án lại phải tạm dừng vì người dân phản đối, cho rằng vị trí đó không phù hợp, ảnh hường đến môi trường sống xung quanh.
Theo đó, một số hộ dân 2 xã Hương Thủy, Gia Phố đề nghị chuyển vị trí vào vùng Trọ Khướu - Trao Tráo thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy (vị trí số 2 - cách vị trí đã được phê duyệt khoảng 400m).
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT cùng UBND huyện Hương Khê đã mời Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị độc lập) để trực tiếp khảo sát, đánh giá khách quan giữa 2 vị trí nêu trên.
Đường lên vùng Trọ Khướu - Trao Tráo (thuộc Khoảnh 5) có nhiều bất lợi, dẫn đến phát sinh chi phí lớn khi xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt so với vị trí tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy.
Đến nay, quá trình khảo sát, nghiên cứu, phân tích của Viện Công nghệ Môi trường đã hoàn thành. PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng khẳng định: Việc đầu tư dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Hương Khê bằng công nghệ lò đốt tại vị trí số 1 (Khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy) là phù hợp và đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường, kinh tế - xã hội.
Cụ thể, tại vị trí số 1 (do UBND huyện Hương Khê quy hoạch) cách khu dân cư gần nhất của xã Hương Long khoảng 880 m về phía Tây; còn vị trí số 2 cách khu dân cư gần nhất của xã Hương Long khoảng 520m về phía Tây (gần bằng khoảng cách tổi thiếu theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam - 500m).
Ngoài ra, việc xây dựng khu xử lý tại vị trí số 2 đòi hỏi giải pháp thi công khó hơn, dẫn đến phát sinh chi phí lớn, tăng khoảng 67% so với vị trí số 1 (38,9 tỷ đồng so với 23,3 tỷ đồng).
Cần sự đồng thuận của người dân để có đáp số đúng
Sau khi có kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Môi trường, mới đây, UBND huyện Hương Khê đã tổ chức cuộc đối thoại với người dân các xã trong vùng dự án.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên: Công nghệ lò đốt SANKYO GF 1500 Nhật Bản, công suất 1.000 kg/h, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61:2016/BTNMT). Với các ưu điểm: Không xả nước thải ra môi trường; giảm thiểu mùi hôi; không phát sinh khí độc hại; tro xỉ được thu gom an toàn.
Được Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường Trịnh Văn Tuyên giới thiệu về quy trình, thủ tục, kỹ thuật công nghệ và các yếu tố an toàn của dự án khu xử lý chất thải rắn, 100% người dân dự buổi đối thoại đã giơ tay thống nhất về quy hoạch, vị trí và tiến độ thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Sỹ (thôn Phố Hương, xã Gia Phố) cho biết: Là người địa phương, tôi hiểu rõ về vị trí địa lý, cơ cấu địa chất của từng khu vực. Theo đó, việc xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy là an toàn và hợp lý nhất.
Ông Nguyễn Văn Sỹ khẳng định vị trí hợp lý khi xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy.
Còn bà Trần Thị Nhung – Bí thư Chi bộ thôn 9, xã Hương Thủy thì cho rằng: Mọi quy trình công nghệ, giải pháp kỷ thuật đã được tỉnh, huyện và các cấp ngành nghiên cứu, tính toán kỹ rồi. Đề nghị huyện sớm triển khai thực hiện dự án để giải quyết vấn nạn rác thải cho bà con.
Bà Trần Thị Nhung – Bí thư Chi bộ thôn 9, xã Hương Thủy kiến nghị các cấp, ngành triển khai ngay dự án xử lý rác thải để bảo đảm môi trường sống cho bà con.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tại cuộc đối thoại, UBND huyện Hương Khê và các nhà thầu phải phối hợp triển khai tốt công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án trong tháng 11 này.
Giải pháp công nghệ đã được khẳng định, vị trí xây dựng đã được xác định với đầy đủ các luận cứ khoa học, công tác giải phóng mặt bằng đã xong. Thế nhưng, những ngày qua, khi nhà thầu bắt tay vào thi công công trình Khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê thì một số người dân lại tiếp tục chống đối, ngăn cản cũng với những lý do “không đảm bảo môi trường”.
Dù rằng, yếu tố đó đã được các ngành chuyên môn và cao nhất là Viện Công nghệ Môi trường của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát, đánh giá và loại trừ. Phải chăng, đây chỉ là nguyên cớ mà họ cố vin vào để phục vụ cho mục đích khác?!.
Vậy là, công trình vẫn chưa được thực hiện, 1 lần nữa, niềm mong xử lý rác thải của chính quyền và đa số người dân Hương Khê chưa thể thành hiện thực.
Sau cuộc đối thoại vào cuối tháng 10, thời điểm này, khi nhà thầu triển khai thi công khu xử lý chất thải, một số người dân các xã Hương Thủy, Gia Phố vẫn cố tình ngăn cản, không cho thi công.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cho biết: “Phải khẳng định, đây là khu xử lý chất thải rắn với đầy đủ quy trình, công nghệ tiên tiến chứ không phải là bãi tập kết rác nên vấn đề an toàn môi trường luôn đảm bảo. Những thông tin này, chính quyền địa phương cũng đã cung cấp đầy đủ đến tất cả các hộ dân và được đại đa số người dân trên địa bàn đồng thuận. Vì vậy, đối với những người vẫn cố tình cản trở, lợi dụng để đi ngược lợi ích chung của cả cộng đồng, huyện sẽ tập trung làm rõ và kiên quyết xử lý theo pháp luật. Điều cần nhất lúc này là sự chia sẻ, đồng thuận của người dân địa phương để dự án sớm triển khai đúng tiến độ”.
Lời giải, đáp án đã có, rất mong được sự đồng thuận của bà con nhân dân địa phương để huyện Hương Khê có đáp số đúng cho bài toán xử lý ô nhiễm rác thải trên địa bàn.