Giải mã nỗi ám ảnh "đứt cáp quang biển AAG"

Nếu như trước đây việc đứt tuyến cáp quang biển AAG sẽ khiến cho lưu lượng truy cập Internet ra quốc tế của Việt Nam bị chậm hẳn lại, người dùng sẽ cảm nhận được ngay sự suy giảm này nhưng lần này điều đó chỉ là cảm giác. Lý do là gì?

AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, ký thỏa thuận triển khai vào ngày 27/4/2007, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT.

Theo như đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, tuyến cáp quang biển này hiện đã được hàn xong và kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển này đã hoạt động trở lại bình thường, tất cả băng thông đã hồi phục như cũ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, trong khoảng từ 2 giờ rưỡi đến 3 giờ rưỡi sáng, truy cập mạng sẽ gián đoán khoảng 1 giờ để các nhà mạng chuyển hết hướng lái lưu lượng trở lại tuyến này.

Về nguyên tắc, điều đó có ảnh hưởng với truy cập Internet nhưng do được thực hiện về đêm, đây là thời điểm mà lưu lượng ở Việt Nam xuống thấp nhất trong ngày nên lúc chuyển mạng không gây ảnh hưởng đến người dùng. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ có tuyến cáp quang biển AAG mà còn có các tuyến khác đi quốc tế nên khi tuyến cáp này có xử lý dừng thì cũng không gây ảnh hưởng tới toàn mạng lưới đối với những người đang sử dụng vào thời điểm đó.

Nhìn chung, đối với nhà khai thác, thời điểm đó sẽ giảm dung lượng nhưng vì thời gian rất ngắn và lúc đó lưu lượng người dùng toàn mạng không nhiều nên các hướng tuyến khác vẫn có thể đảm bảo cung cấp lưu lượng, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cho biết.

Kịch bản đã có sẵn

Tuyến cáp AAG được đưa vào khai thác từ 10/11/2009 và đến nay đã đứt khoảng 7 lần. Chỉ tính từ đầu năm đến nay tuyến cáp này đã đứt tới 3 lần. Nếu như các lần trước, khi tuyến cáp này bị đứt, đường truyền đi quốc tế thường bị chậm lại và người dùng sẽ cảm nhận được điều đó ngay lập tức. Lúc đó, nhiều người dùng phàn nàn rằng, không thể truy cập vào dịch vụ Gmail hay các trang tin tức quốc tế…Tuy nhiên, lần đứt cáp này, tình trạng đó đã được hạn chế tối đa.

Như tin đã đưa vào lúc 23 giờ 26 phút ngày 15/9, tuyến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG xảy ra sự cố bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1I, cách trạm cập bờ Hong Kong 64.1 km. Trong thời gian tuyến cáp bị đứt lần này, trên một số trang web, diễn đàn, cũng có một số người lên phản ánh việc truy cập vào một số trang web không được nhanh, cảm nhận đường truyền ra quốc tế có vấn đề. Chẳng hạn mọi khi gõ địa chỉ thấy truy cập vào trang ngay nhưng hôm nay lại hơi chậm một chút nhưng không ảnh hưởng tới công việc của họ. Tất cả điều đó chỉ là cảm giác của người dùng mà thôi, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) nhận định.

Là một nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất thị trường, ông Hải cho rằng, việc đứt cáp lần này không ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là đối với đường truyền của VNPT. Trong thời gian đứt cáp, trung tâm khách hàng của nhà cung cấp này cũng đã nhận được phản ánh của khách hàng nhưng khách hàng bình thường không phản ánh gì nhiều. Chỉ một số khách hàng có ưu tiên hướng sử dụng có phản ánh nhưng không nhiều. Là một nhà cung cấp dẫn đầu thị trường và có hệ thống mạng lưới cung cấp lâu năm, VNPT đều nắm rõ vấn đề đó và khi có sự cố đã phối hợp xử lý nhanh cho các khách hàng đặc thù này, đảm bảo nhu cầu sử dụng ổn định.

Hơn nữa đây không phải là lần đầu tiên tuyến cáp quang biển AAG bị đứt, cho nên kịch bản dự phòng và chuyển hướng lưu lượng để ổn định mạng đã có sẵn từ lần trước. Trên thực tế, VNPT là nhà cung cấp dịch vụ có hệ thống cáp quang, cáp biển, cũng như tổng dung lượng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam, chiếm 36% tổng dung lượng kênh kết nối Internet quốc tế của Việt Nam. Ngoài tuyến cáp quang AAG, VNPT còn có các tuyến khác đi quốc tế và các tuyến cáp quang đất liền qua biên giới kết nối trực tiếp với nhiều đối tác khác nhau của Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hệ thống cáp quang biên giới Việt Nam - Trung Quốc kết nối trực tiếp với các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc với tổng dung lượng trên 120 Gb/giây. Hệ thống cáp quang biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia kết nối trực tiếp với hầu hết các nhà khai thác viễn thông lớn của Lào và Campuchia với tổng dung lượng hơn 200 Gb/giây. Do đó, khi có sự cố đứt cáp quang AAG, VNPT đã tăng cường dung lượng mạng sang hướng đất liền, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Google, Yahoo…để tăng cường dung lượng truy cập nên lần đứt cáp này không ảnh hưởng gì nhiều, ông Hải nhận định.

Do đó, người dùng hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng kết nối mạng Internet ngay cả khi tuyến cáp AAG có gặp sự cố.

Theo Tuệ Minh/VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói