Sự thống trị của Google đến hồi kết

Trước khi bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện với cáo buộc độc quyền mảng tìm kiếm, Google luôn dẫn đầu thị trường và vượt xa đối thủ trong suốt nhiều năm.

Theo Bloomberg, Google đã thua trong vụ kiện chống độc quyền sau khi một thẩm phán tại Mỹ tuyên công ty đã cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực tìm kiếm. Giờ đây, gã khổng lồ công nghệ phải đối mặt với khả năng chia tách sau nhiều năm thống trị.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang cân nhắc yêu cầu buộc Google phải bán lại một số bộ phận để tăng cường tính minh bạch. Thẩm phán Amit Mehta tại tòa án quận Hoa Kỳ sẽ giám sát việc thực thi trong phiên tòa vào tháng 4/2025.

Vụ kiện của Google là một trong số nhiều hành động quyết liệt được chính quyền Tổng thống Joe Biden theo đuổi. Trong đó, chính quyền liên bang coi cạnh tranh lành mạnh trong thương mại là trọng tâm chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ của mình.

Google bị kiện như thế nào?

Bộ Tư pháp Mỹ và các tổng chưởng lý cáo buộc Google đã trả hàng tỷ USD để duy trì vị thế độc tôn trong mảng tìm kiếm thông qua thỏa thuận với công ty công nghệ, nhà sản xuất điện thoại và đơn vị cung cấp dịch vụ không dây.

Những thỏa thuận này, bao gồm việc Apple và Samsung đặt Google Tìm kiếm làm công cụ mặc định, đã ngăn cản một số đối thủ như DuckDuckGo và Bing tiếp cận khách hàng mới.

Google bị cáo buộc trả tiền cho đối tác cho bảo vệ vị thế dẫn đầu trong mảng tìm kiếm. Ảnh: Bloomberg.
Google bị cáo buộc trả tiền cho đối tác cho bảo vệ vị thế dẫn đầu trong mảng tìm kiếm. Ảnh: Bloomberg.

Bên cạnh đó, thẩm phán Mehta phát hiện Google không chỉ độc quyền bất hợp pháp trong mảng tìm kiếm mà còn đối với quảng cáo văn bản. Thỏa thuận phân phối của Google bị cáo buộc đã khóa chặt các điểm truy cập chính, làm suy yếu cơ hội của đối thủ và dẫn đến môi trường cạnh tranh không công bằng.

Nhờ vị thế trên, Google đã tăng giá quảng cáo tìm kiếm mà không gặp rào cản cạnh tranh.

Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét đề xuất chia tách Google, buộc công ty bán lại Android, cửa hàng ứng dụng Play Store hoặc trình duyệt Chrome. Ngoài ra, cơ quản quản lý yêu cầu gã khổng lồ công nghệ chia sẻ thêm dữ liệu với đối thủ và loại bỏ thỏa thuận bất hợp pháp trước đây.

Xa hơn, một số giải pháp khác nhằm ngăn chặn Google sử dụng vị thế thống trị trong mảng tìm kiếm để chiếm lợi thế AI cũng được tính đến. Nếu nỗ lực thất bại, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu đế chế tìm kiếm bán lại trình duyệt Chrome với mức định giá vào khoảng 20 tỷ USD.

Dự định của Google

Gã khổng lồ thuộc sở hữu của Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Mehta. Công ty lưu ý thêm rằng Google Tìm kiếm là công cụ tốt nhất tại Mỹ và có chất lượng vượt trội nhờ nhiều năm đầu tư vào đổi mới.

Trong khi thừa nhận các hợp đồng độc quyền trên điện thoại di động và trình duyệt, Google nói rằng điều này không có tác động tiêu cực đến mức độ cạnh tranh.

Google lên kế hoạch kháng cáo phán quyết của tòa án. Ảnh: Bloomberg.
Google lên kế hoạch kháng cáo phán quyết của tòa án. Ảnh: Bloomberg.

Luật chống độc quyền ở Mỹ nhằm bảo vệ tính cạnh tranh trong thương mại. Trong đó, chính phủ không cấm doanh nghiệp đạt được thị trường thông qua sản phẩm vượt trội hoặc quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, các hành động lén lút nhằm chơi xấu đối thủ hoặc duy trì vị thế bất hợp pháp đang bị cấm và có thể dẫn đến biện pháp xử phạt mạnh tay.

Vào năm 2020, Texas đã dẫn đầu 16 tiểu bang trong vụ kiện Google độc quyền thị trường tìm kiếm. Phiên tòa đã được ấn định vào tháng 3/2025.

Vào tháng 1/2023, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện ông lớn tìm kiếm với cáo buộc thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh quảng cáo. Vụ kiện này được đưa ra xét xử vào tháng 9/2024 và phiên tranh luận dự kiến kết thúc vào ngày 25/11.

Nhiều ông lớn bị giám sát

Kể từ năm 2010, Google phải đối mặt với nhiều khiếu nại về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại châu Âu và bị phạt tổng cộng hơn 8 tỷ euro. Trong đó, khoản tiền phạt lớn nhất (4,34 tỷ euro) liên quan đến cách công ty vận hành hệ điều hành Android.

Vào tháng 6, EU cũng cáo buộc ông lớn tìm kiếm thiên vị trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo và yêu cầu phải thoái vốn khỏi bộ phận này.

Hàng loạt ông lớn bị kiện vì hành vi cạnh tranh không công bằng. Ảnh: Bloomberg.
Hàng loạt ông lớn bị kiện vì hành vi cạnh tranh không công bằng. Ảnh: Bloomberg.

Khi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU bắt đầu có hiệu lực vào tháng 3, Google là một trong những công ty công nghệ lớn chịu tác động rõ rệt nhất. Đạo luật này cấm doanh nghiệp sử dụng dữ liệu từ bên thứ ba để cạnh tranh cũng như lợi dụng dữ liệu cá nhân để tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ.

Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh nhiều nỗ lực duy trì tính cạnh tranh lành mạnh. Trước Google, Ủy bản Thương mại Liên bang (FTC) đã kiện Meta vì cố tình thâu tóm Instagram và WhatsApp nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Tại thời điểm đó, FTC cũng tìm cách chia tách Meta.

Năm ngoái, FTC đã kiện Amazon vì chi phối dịch vụ thị trường trực tuyến bằng cách tính phí quá cao cho người bán.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện Apple vào tháng 3 vì chặn đối thủ truy cập vào một số tính năng phần cứng cũng như phần mềm trong hệ sinh thái thiết bị di động.

znews.vn

Đọc thêm

8 vật cản sóng Wifi ở nhà bạn khiến mạng như rùa bò

8 vật cản sóng Wifi ở nhà bạn khiến mạng như rùa bò

Wifi bị chậm, hoặc là cứ đi đến góc nào đó trong nhà là Wifi lại bị chậm chờn, khiến các kết nối với điện thoại gặp trục trặc. Việc đó bao gồm nhiều yếu tố, có thể do bạn cách quá xa Modem Wifi ở nhà, hoặc do nhà mạng không ổn định.
Hà Tĩnh thực hiện chủ trương “Bình dân học vụ số”

Hà Tĩnh thực hiện chủ trương “Bình dân học vụ số”

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Bình dân học vụ số” phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương, đơn vị, hướng tới thực hiện mục tiêu phổ cập chuyển đổi số toàn dân.