“Giải tán” Facebook: Nói dễ, làm mới khó!

Hủy diệt Facebook không phải chỉ cần "cái búng tay của Thanos" là xong. Nếu muốn chia nhỏ mạng xã hội của Mark Zuckerberg, nhà chức trách phải trải qua hành trình không mấy dễ dàng.

“Giải tán” Facebook: Nói dễ, làm mới khó!

Ảnh minh họa

Chris Hughes, người sáng lập Facebook cùng Mark Zuckerberg khi họ còn là sinh viên Harvard, vừa gây “sóng gió” trong bài xã luận mới nhất. Trong đó, anh cho rằng cách tốt nhất để kìm hãm quyền lực của Facebook là chia nhỏ công ty .

Dù vậy, quyết định chia tách Facebook còn phụ thuộc vào quan chức chống độc quyền tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FCC) và Bộ Tư pháp, những người phải đưa vụ việc lên một tòa án liên bang.

Quy trình có thể mất hàng năm, bao gồm nhiều kháng cáo, và thậm chí là lên cả tòa án tối cao. Chiến thắng cuộc chiến này không hề dễ dàng, phải đối mặt với nhiều thách thức và gần như không thể xảy ra.

Herb Hovenkamp, học giả về chống độc quyền của Đại học Pennsylvania, cho biết: để lật lại quyết định mua Instagram và WhatsApp của Facebook, thay vì suy đoán, nhà chức trách phải tìm ra bằng chứng rằng người dùng có lợi hơn nếu Facebook bị tách khỏi hai công ty này. Theo ông, chỉ nói suông không đủ để thắng vụ kiện chống độc quyền.

Facebook đang có giá trị thị trường 538 tỷ USD, hơn 2 tỷ người dùng hàng ngày và cánh tay vươn dài toàn cầu. Bài xã luận mới đây của Hughes chỉ thêm dầu vào lửa cho làn sóng chỉ trích nhằm vào các hãng công nghệ lớn như Facebook, Alphabet, Amazon.

Nhà lập pháp, nhà kinh tế học, luật sư kêu gọi giám sát nghiêm khắc hơn đối với các hãng này sau nhiều năm gần như buông thả. Hughes tranh luận Facebook là thế lực độc quyền không bao giờ nên được cho phép mua Instagram và WhatsApp.

Đứng trước áp lực, Chủ tịch FTC Joe Simons đầu năm 2019 đã phải lập một đội chuyên trách để xác định xem các hãng công nghệ có đang cản trở cạnh tranh và đánh giá lại những thương vụ sáp nhập trước đây trong ngành. Động thái khiến người ta nghĩ đến FTC đang muốn “soi” lại vụ Facebook thôn tính Instagram và WhatsApp mà chính cơ quan này đã chấp thuận.

Theo các luật sư, có hai cách tiếp cận để kiểm tra Facebook. Các quan chức chống độc quyền có thể điều tra Facebook có sử dụng vị trí thống trị để cản trở cạnh tranh hay không. Đây là cách họ thực hiện với Microsoft những năm 1990. Nếu thuyết phục được một thẩm phán ra phán quyết rằng Facebook là độc quyền bất hợp pháp, công ty sẽ bị phá vỡ. Dù vậy, tòa án phúc thẩm liên bang tại Washington đã lật ngược phán quyết yêu cầu chia tách Microsoft của tòa án cấp dưới. Tiền lệ ấy tạo ra trở ngại lớn nếu muốn “giải tán” Facebook.

Cách tiếp cận thứ hai là xem xét lại các thương vụ mua Instagram và WhatsApp, đưa ra tòa án để cho thấy chúng phản cạnh tranh kể cả khi đã được FTC chấp thuận. Nhà chức trách cần chỉ ra rằng Facebook, thông qua mua Instagram và WhatsApp, đã loại bỏ các đối thủ trên không gian mạng xã hội. Song, Facebook có thể phản công bằng cách nói những công ty này chỉ hưng thịnh nhờ vào việc trở thành một phần của Facebook.

Harold Feld, luật sư của nhóm chính sách Public Knowledge, chia sẻ việc phá vỡ Facebook vô cùng khó và phức tạp, bạn không thể “búng tay” là xong. Ngay cả khi nỗ lực này thành công, Facebook vẫn sẽ có thêm 2 tỷ người dùng khác trong nay mai.

Theo ictnews

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.