Giám đốc Sở TN&MT giải trình phương án sử dụng đất, định giá tài sản

(Baohatinh.vn) - Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn là người thứ 3 đăng đàn trả lời chất vấn với các nội dung xoay quanh xác định giá đất cụ thể; định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất; bãi rác, lò đốt rác ở các địa phương đang quá tải...

z5644243792920_e27e8aa68b28b063e3e1f415cbf31cd3.jpg

Sáng 18/7, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Giám đốc TN&MT Lê Ngọc Huấn là một trong các lãnh đạo ngành đăng đàn trả lời chất vấn.

Trả lời nội dung cử tri quan tâm về việc xác định giá đất cụ thể tiến độ chậm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho hay: Thời gian qua, công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt và bám sát quy định của pháp luật.

Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT trình Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh thẩm định giá đất đối với 17 dự án. Tới nay, hội đồng đã thẩm định thống nhất, Sở TN&MT trình và UBND tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 11 dự án. 6 dự án đã được hội đồng thẩm định và giao sở chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung phương án giá đất.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tiến độ xác định giá đất các dự án theo phương pháp thặng dư trên địa bàn tỉnh đã chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân do vướng mắc các quy định pháp luật; khó khăn trong việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất; một số dự án diện tích đất theo quy hoạch được duyệt còn chênh lệch so với diện tích được giao đất, cho thuê đất; trong quyết định chấp thuận nhà đầu tư và hợp đồng thực hiện dự án chưa cụ thể, thiếu thông tin; hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư của nhà đầu tư còn sơ sài, thiếu thông tin, chưa thống nhất…

z5643813830908_59295d4267f28122d746824a7cbb8f9a.jpg

Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất cụ thể đối với các dự án, Sở TN&MT tập trung thực hiện nghiêm việc xác định giá đất trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh; phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các chỉ tiêu làm căn cứ xác định giá đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định; Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh nghiên cứu đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng thẩm định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tham mưu, thẩm định giá đất trên địa bàn tỉnh…

Liên quan đến câu hỏi của cử tri về việc định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành và Trung tâm Phát triển quỹ đất còn chậm, Giám đốc Lê Ngọc Huấn cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã được UBND tỉnh giao quản lý 73 khu đất. Trong đó, hoàn thành việc xác định giá trị tài sản còn lại, xử lý tài sản trên đất và bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất 60/73 khu đất, còn lại 13 khu chưa hoàn thành nên chưa bàn giao về cho trung tâm quản lý, lập phương án sử dụng.

Tư lệnh ngành TN&MT cũng báo cáo trước kỳ họp về kết quả quản lý, lập phương án sử dụng đối với 60 khu đất đã nhận bàn giao. Theo đó, đã bàn giao về cho địa phương quản lý 8 khu đất; đã và đang thực hiện hồ sơ thủ tục đấu giá 46 khu đất đủ điều kiện; 6 khu đất còn lại do nằm trong các khu quy hoạch đô thị có quy mô lớn nên không tổ chức đấu giá riêng phần diện tích đất đã thu hồi mà sẽ thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy hoạch.

Giám đốc Sở TN&MT cũng lý giải nguyên nhân chủ quan và khách quan chậm xác định giá trị tài sản còn lại trên đất; chậm có phương án bố trí sử dụng đất... từ đó, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như: Đối với 13 khu đất chưa xử lý xong tài sản, tham mưu giao Sở Tài chính tập trung định giá, xử lý dứt điểm; giao UBND các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện. Sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, lập phương án đấu giá, triển khai tổ chức bán đấu giá các khu đất khi được UBND tỉnh phê duyệt giá đất và phương án đấu giá...

Liên quan đến thắc mắc của cử tri về thực trạng các bãi rác, lò đốt rác ở các địa phương đang quá tải dẫn đến lượng rác tồn đọng nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Ngọc Huấn thông tin, trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tỉnh đã đề ra mục tiêu đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Hồng Lộc để tiếp nhận và xử lý rác cho khu vực phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, nhà máy đã được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025 dự án sẽ khởi công và đầu năm 2026 đưa vào vận hành.

z5643813818374_2af91eec5ce8c0b1f641e1f6be4cc103.jpg

Trong thời gian chờ xây dựng xong Nhà máy điện rác Hồng Lộc, để đảm bảo việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan vận hành các bãi chôn lấp đúng quy trình nhằm tăng sức chứa bảo đảm theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

Người đứng đầu ngành TN&MT cũng mong muốn Nhân dân đồng hành, tích cực thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn; đối với các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện tập trung xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, cá nhân, tận dụng làm thức ăn gia súc, chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất, nhằm giảm tối đa lượng rác thải phải vận chuyển đưa đi xử lý, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước và kinh phí của Nhân dân.

z5644381705949_d7c2e4faff22e21fb01cfad2c03716a2.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về phương án xử lý khối lượng đất dư thừa trong quá trình dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý cụ thể vấn đề này.

Với tầng đất mặt đất trồng lúa sau khi bóc tách để thực hiện cải tạo đồng ruộng phải sử dụng để làm phẳng mặt ruộng, duy trì và nâng cao độ phì nhiêu tầng đất canh tác; đối với đất dư thừa không phải là tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước nhưng bảo đảm tiêu chuẩn để sử dụng phục vụ mục đích nông nghiệp, giao UBND cấp xã lập phương án sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Với đất dư thừa đủ tiêu chuẩn sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, sẽ quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Phần đất dư thừa không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích nông nghiệp, không đủ tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng, phải bố trí khu vực đổ thải để lưu giữ, quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

UBND cấp huyện, UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng khối lượng đất dư thừa trên địa bàn theo đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và quy định của pháp luật có liên quan, tuyệt đối không để lợi dụng chủ trương thực hiện chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất để khai thác khoáng sản trái phép, sử dụng đất sai mục đích. Trường hợp để xảy ra sai phạm, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.

z5644381776406_36ae2b633119cb27c40946589230a56d.jpg
Đại biểu Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân chất vấn Giám đốc Sở TN&MT

Khi được UBND tỉnh xem xét phê duyệt phương án xử lý đất dư thừa nêu trên, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành để có hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã thực hiện theo quy định.

Đại biểu Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban VHXH (tổ đại biểu huyện Đức Thọ) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Về câu hỏi này, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận phản ánh của cử tri là đúng với tình hình thực tế. Ông Lê Ngọc Huấn nhấn mạnh, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và Sở TN&MT luôn quan tâm kiểm tra tình trạng này.

Thẩm quyền kiểm tra thuộc về các cấp chính quyền; do vậy, UBND các cấp cần căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động đã được phê duyệt để xác định trang trại nào không thực hiện đúng quy định sẽ tiến hành lập biên bản xử lý. Nếu vượt quyền phải trình UBND tỉnh để Sở TN&MT tham mưu xử lý.

.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn.

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.