Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam
Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam
Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Khác với nhiều nước trên thế giới, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” ở Việt Nam có từ lâu đời. Nó là sự tiếp biến, lan tỏa của truyền thống hiếu học. Theo thời gian, truyền thống ấy càng sáng đẹp như một lẽ tự nhiên. Đạo học, đạo thầy trò được chuyển hóa thành cách phong cách ứng xử hàng ngày, điều chỉnh suy nghĩ và tình cảm của rất nhiều người. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ được Nhân dân truyền từ đời này sang đời khác: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên” để nhắc nhở người đi học không được quên ơn thầy cô.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Hình ảnh ông đồ ngày xưa. Minh họa: internet

Nét độc đáo của văn hóa Việt Nam là đa số các nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo tài năng đều là những người thầy lỗi lạc. Nghề dạy học là một nghề mà thời phong kiến cũng như hiện đại, nhiều bậc nhân sĩ trí thức, nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội đều đã trải qua. Tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Huy Oánh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Liêm Sơn, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp... Từ nhiều lớp học, những tư tưởng tiến bộ, cách mạng đã thổi vào tâm trí nhiều thế hệ học trò, giúp họ trở thành những người hiền tài, những chiến sĩ chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc, làm rạng rỡ văn hóa Việt Nam. Đạo thầy trò trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc trở thành đạo đức của người yêu nước, người cộng sản. Trường học, lớp học trở thành những địa chỉ văn hóa lưu danh muôn đời như “Trường Lưu học hiệu” (Can Lộc), Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (TP Vinh, Nghệ An)...

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than - Hà Nội năm 1958. Ảnh tư liệu

Những người làm nghề giáo đều được ví là nghề “trồng người” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng đánh giá: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Đảm nhận sứ mệnh “trồng người”, làm “nghề cao quý”, “nghề sáng tạo”, mỗi người thầy, người cô đều phải luôn mẫu mực, nhân cách cao quý, trí tuệ hơn người, không ngừng vươn lên và sáng tạo. Với người Việt Nam, thầy cô không chỉ là giáo viên mà còn là người cha, người mẹ, người bạn lớn của học trò. Hàng triệu thầy cô qua các thế hệ đã yêu thương, dạy dỗ, nâng cánh ước mơ cho lớp lớp học trò, giúp họ trở thành người tài giỏi, những công dân có ích cho xã hội. Có những thầy cô trong bom đạn đem thân che chở cho học trò, thời kỳ nào cũng sẵn sàng san sẻ cơm áo, dùng đồng lương ít ỏi của mình để mua sách bút cho học sinh nghèo, làm điểm tựa tinh thần cho học trò khi vấp ngã, thầm lặng dõi theo từng bước đi của học trò. Thầy cô thay mẹ cha dạy trò lẽ sống, cách ứng xử, truyền tải kho tàng tri thức vô tận của thế giới, ươm mầm khát vọng cho trò. Qua những giờ học, thầy cô đã phát hiện, nhen nhóm, bồi dưỡng cho học trò những tố chất đặc biệt, giúp học trò phấn đấu trở thành người tài giỏi. Đạo làm thầy “chở người qua sông”, chỉ lấy sự trưởng thành, vững bước của học trò làm niềm vui lẽ sống của mình.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021). Ảnh: Thu Hà

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã khiến những giờ học trở nên hấp dẫn hơn. Trong ảnh: Một giờ dạy của cô Nguyễn Thị Bích Thuý - Trường Tiểu học Thị trấn Thạch Hà. Ảnh tư liệu

Ngày nay, thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại kinh tế tri thức, thời đại kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, người thầy lại càng phải hoàn thiện mình hơn, học hỏi và sáng tạo nhiều hơn để góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Có lẽ không có nơi nào trên thế giới, nghĩa thầy trò lan tỏa, thấm sâu vào đạo lý sống của Nhân dân qua tầng tầng lớp lớp thời gian. Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Lời xưng thầy không chỉ là của học trò mà qua lời giao tiếp đầy tôn kính của phụ huynh đã làm phong phú thêm ngôn ngữ tiếng Việt. Nhiều phụ huynh đã nhiều tuổi vẫn “chào thầy, chào cô” của con em mình, khác với cách xưng hô “tôi và bạn” như tiếng Anh, tiếng Nga. Ngữ cảnh ấy có thể hình dung thái độ cung kính của cha mẹ với người dạy con em mình. Không chỉ khi con còn đi học, kể cả khi con đã trưởng thành, ứng xử ấy vẫn không thay đổi. Nó khởi nguồn từ lòng biết ơn, sự trân quý nên rất phổ biến, dễ hiểu trong đời sống thường nhật. Điều dễ hiểu này của người Việt lại là điều lạ lẫm của nhiều thầy cô giáo người nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy. Họ vô cùng ngạc nhiên và cảm động khi Việt Nam có một ngày hội lớn 20/11, nhà nhà, người người đều hướng đến các thầy cô giáo và chính họ đã được nhận những bó hoa tươi thắm cùng tình cảm nồng hậu của các học trò Việt Nam.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Thầy cô không chỉ là giáo viên mà còn là người cha, người mẹ, “người bạn” của học trò. Ảnh minh họa

Nhân dân Việt Nam yêu quý, kính trọng thầy cô giáo, bởi họ thấm sâu đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”. Có lẽ không nơi nào trên thế giới, đạo làm trò sâu sắc, thấm đẫm, lan tỏa sâu rộng và vững bền như ở Việt Nam. Thương yêu kính trọng thầy cô giáo, khi còn trên ghế nhà trường, trò lo chăm chỉ đèn sách, tu dưỡng đạo đức, phấn đấu thành con ngoan trò giỏi. Khi trưởng thành, đi ra cuộc đời, trò luôn cố gắng sống như điều thầy cô, cha mẹ mong muốn, trở thành công dân tốt, đưa sức lực, trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, hùng cường. Có những học trò sau này có địa vị cao, giàu có trong xã hội, khi trở về thăm thầy cô vẫn cung kính, lễ độ như những ngày còn đi học.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Một giờ học của 2 lớp ghép tại điểm Trường Tiểu học Phú Gia tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia, Hương Khê (ảnh 1). Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài (ảnh 2) và cô Hoàng Thị Nguyệt (ảnh 3) là những giáo viên đã có 26 năm cắm bản miệt mài bám lớp để thực hiện sứ mệnh “gieo chữ” tại điểm trường. Ảnh: Đình Nhất

Trong cuộc đời của mỗi con người đều lưu giữ những mảng ký ức sâu đậm đối với những người thầy, người cô đã gieo chữ, dạy nghĩa, truyền tình yêu thương và lẽ sống cho mình, khai mở những ước mơ hoài bão, chỉ vẽ, uốn nắn từng nét chữ, bài toán, câu văn. Không gian tuổi học trò là không gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. “Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường”, dòng sông thời gian trôi đi, mang theo tuổi trẻ và bao buồn vui, thành công, vấp ngã của mỗi con người, chỉ có tình yêu thương mẹ cha, thầy cô, bạn bè như phù sa đọng vào năm tháng. Đạo làm trò, mỗi hành động tri ân với thầy cô là những hạt phù sa lấp lánh nuôi dưỡng tâm hồn họ.

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Thầy Lê Đình Quyền (giữa) xúc động khi nhận được bó hoa tươi thắm và lời chúc ấm áp từ những học sinh cũ Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) . Trong ảnh: Từ trái qua phải: Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Cao Vinh, thầy Lê Đình Quyền và anh Phan Trọng Hiền tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh tư liệu

Đạo thầy trò trong văn hóa Việt Nam

Thầy Trần Quang Tú - nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh hội ngộ cùng học sinh cũ nhân dịp 20 năm ra trường. Ảnh: NVCC

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày 20/11 trở thành ngày truyền thống tôn vinh các nhà giáo, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy; để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Hướng đến ngày hội lớn ấy, hàng triệu học sinh đã tìm về mái trường xưa, tìm lại thầy cô giáo cũ của mình trong niềm xúc động chan chứa. Những ký ức đẹp đẽ, sáng trong về thầy cô, bè bạn đã bồi đắp cho họ những lớp phù sa tâm hồn, để họ sống đẹp hơn, yêu thương hơn, phấn đấu nhiều hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

thiết kế: khôi nguyễn

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast