Làm khuyến học

Về hưu là để nghỉ ngơi vậy nhưng với ông Phan Văn Nậm (Cẩm Xuyên) lại bắt đầu khởi sự cho một hoạt động mới. Với ông “Còn sức thì còn cống hiến” nên ông đã không biết mệt mỏi chăm lo cho công tác khuyến học của huyện nhà. Và những gì ông bỏ ra đã thật xứng đáng, công tác khuyến học trên vùng đất Cẩm Xuyên giờ đây không chỉ là một phong trào phát triển mạnh mẽ mà đã trở thành hoạt động thường xuyên trong cộng động, nhà nhà làm khuyến học, người người làm khuyến học…

Chuyển động từ “đầu tàu”…

8 năm về hưu là 8 năm ông lăn lộn cơ sở. Vất vả, cực nhọc đủ bề nhưng bù lại niềm vui lại thường trực ánh lên trong đôi mắt của cái tuổi đã gần thất thập. Ông là Phan Văn Nậm – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cẩm Xuyên.

Ông Nậm kể, ông là giáo dân, nguyên là Chủ tịch UBMTTQ huyện Cẩm Xuyên. Năm 2004, ông được nghỉ chế độ. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người đảng viên, lại còn có sức khỏe, trước những yêu cầu của công tác khuyến học huyện nhà lúc bấy giờ ông không thể “yên bài” nghỉ chế độ ngồi nhìn nên ông đã đảm đương chức Chủ tịch Hội Khuyến học huyện.

Cẩm Xuyên tôn vinh 120 dòng họ, giáo xứ khuyến học và gia đình hiếu học giai đoạn 2007-2012

Năm 2005, ông tổ chức Đại hội Khuyến học huyện lần thứ 2. Thời điểm này, công tác khuyến học còn hết sức khó khăn. Mạng lưới Hội mới được khoảng 2/3, chủ yếu ở cấp xã. Cấp thôn xóm, dòng họ có chưa đáng kể. Đặc biệt, các giáo xứ thì chưa có tổ chức Hội. Trước thực trạng đó, ông Nậm xác định, muốn làm tốt thì phải đẩy mạnh xã hội hóa, đặc biệt phải tập trung hướng tới 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, tham mưu kịp thời, sát đúng tình hình thực tiễn cho cấp ủy chính quyền cơ sở về những vấn đề then chốt nhất; thứ 2, hướng mạnh hoạt động của Hội xuống cơ sở, mọi việc làm đều phải xuất phát từ cơ sở; thứ 3, mở rộng tổ chức Hội khuyến học trên toàn địa bàn. “Nghĩ đi đôi với làm”, bản thân Chủ tịch Hội là người tiên phong bám sát cơ sở. Một mình một xe máy, ông đến tận từng xã, từng thôn, từng dòng họ, giáo xứ để động viên, vận động, khuyến khích hoạt động khuyến học và thành lập các tổ chức Hội. Ông Nậm tâm sự: “Mở rộng tổ chức Hội không đơn thuần chỉ để mở rộng mà quan trọng hơn là phải bám sát để khơi lên trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Các tổ chức, cá nhân phải làm khuyến học thực sự, phải có sức chiến đấu, nhiệt tình và tâm huyết”.

Có lẽ vì thế mà công tác khuyến học trên đất Cẩm Xuyên nhanh chóng có sức lan tỏa. Tổng kết nhiệm kỳ 2005-2009, 100% xã, thôn, xóm, 100% trường học trên địa bàn và đã có đến 350/430 dòng họ và 7 giáo xứ có tổ chức Hội. Đặc biệt, hiệu quả của công tác khuyến học nỗi rõ khiến người dân nào cũng có thể nhìn thấy. Những xóm giáo trước đây có con em bỏ học nhiều đến thời điểm này đã không còn. Nếu có học sinh nào có nguy cơ bỏ học vì khó khăn thì ngay lập tức có người làm công tác khuyến học xuất hiện động viên, giúp đỡ…

Và cúp vàng khuyến học

“Đầu tàu” đã biết khởi động bám sát “đường ray”, đi đúng hướng nên công tác khuyến học sớm đạt được mục đích và đi vào lòng dân. Không chỉ có mạng lưới Hội khuyến học trên toàn địa bàn được phủ kín mà phong trào xây dựng xã hội học tập, xây dựng dòng họ, giáo xứ khuyến học, gia đình hiếu học đã trở thành những hoạt động thường xuyên, được nhà nhà quan tâm, người người tham gia và tạo được sức lan tỏa thực sự.

Ông Phạm Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển công thương miền Trung cho biết: Trong thời gian hoạt động trên địa bàn đã nhiều lần Công ty tiếp Chủ tịch Hội khuyến học huyện đến vận động ủng hộ công tác khuyến học. Để hưởng ứng, chúng tôi đã về tận các vùng quê nghèo để trao những phần quà giúp đỡ các em. Và càng tham gia hoạt động, chúng tôi càng cảm thấy ý nghĩa. Trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã trao hơn 10 suất quà cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Và có một điều chắc chắn rằng, còn chừng nào thời gian hoạt động trên địa bàn thì ít nhất cũng sẽ còn chừng ấy thời gian chúng tôi đồng hành cùng hoạt động khuyến học của huyện.

Đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã có 100% xã, thôn xóm, khối phố, trường học, hơn 80% cơ quan đơn vị, 430 dòng họ, 7 giáo xứ và 18 giáo họ có tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài, trong đó có 350 dòng họ tộc, 7 giáo xứ, 10 giáo họ hoạt động khuyến học khá; có 17.500/23.000 gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình hiếu học các cấp. Nguồn Quỹ khuyến học được xây dựng từ lòng hảo tâm, tự nguyên của cán bộ và nhân dân toàn huyện, kể cả con em đi làm ăn sinh sống trên mọi miền của đất nước cũng ngày càng phát triển. Mỗi năm, Quỹ thu được từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này huyện dùng cho việc khuyến khích tài năng, hỗ trợ học sinh nghèo vươn lên học tốt, bình quân mỗi năm cho hơn 10 ngàn lượt học sinh và giáo viên.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cẩm Xuyên Phan Văn Nậm cho biết: Thành công lớn nhất và cũng là niềm hạnh phúc nhất đối với những người làm công tác khuyến học chúng tôi là không còn phải chứng kiến cảnh con em lần lượt phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn thay vào đó lại được chứng kiến ngày một nhiều thêm số trẻ em nghèo vươn lên học giỏi; nhiều học sinh nghèo có cơ hội vào đại học, các trường chuyên nghiệp. Và tinh thần học tập trong cộng đồng cũng ngày một đi vào chiều sâu. Đó cũng là mục tiêu chính mà Hội khuyến học Cẩm Xuyên đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tới.

Càng vui mừng với những thành quả đã đạt được, những người làm công tác khuyến học trên địa bàn huyện lại càng ý thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. “Vừa rồi, Hội được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Cúp vàng khuyến học. Để xứng đáng hơn với danh hiệu đó đòi hỏi Cẩm Xuyên phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hơn nữa. Mà muốn hiệu quả tốt thì cũng phải tập trung từ cơ sở. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội tiếp tục hướng mọi hoạt động xuống cơ sở, đặc biệt sẽ lấy các dòng họ, giáo xứ, gia đình làm hạt nhân để đưa phong trào tiếp tục phát triển sâu, rộng và bền vững”, ông Nậm chia sẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast