Trăn trở trước ngày tựu trường

Một năm học mới lại sắp đến với các em học sinh trên cả nước. Trong thời buổi lạm phát như hiện nay, các khoản mua sắm đồ dùng học tập, quần áo mới và đặc biệt là khoản đóng góp cho nhà trường đầu năm học đang là gánh nặng đặt lên vai nhiều bậc phụ huynh.

Phụ huynh mua sắm đồ dùng học sinh tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Tân

Phụ huynh mua sắm đồ dùng học sinh tại TP Hà Tĩnh.

Ảnh: Bá Tân

Những nỗi lo...

Chợ Hà Tĩnh những ngày cuối hè, không khí mua sắm như sôi động hẳn lên. Phần đông người mua là các bậc phụ huynh đưa con em đi sắm quần áo, đồ dùng học tập cho năm học mới. Loay hoay mãi trước cửa hàng thiết bị trường học, chị Phạm Thị Thành (Xóm Nam Thái - Thạch Hội- Thạch Hà) vẫn chưa trả xong giá chiếc cặp cho cô con gái năm nay vào lớp ba. Dù là hàng gia công nhưng chiếc cặp này vẫn đắt hơn 12.000 đồng so với năm trước.Vẫn chưa hết, chị còn phải mua cho con thêm sách vở và một số đồ dùng học tập khác với giá cao hơn từ 10-15% so với năm học trước.

Hỏi chuyện được biết, vợ chồng chị Thành đều làm nghề nông, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Anh chị có 3 đứa con đều đang đi học, đứa lớn năm nay học lớp 11, đứa thứ hai học lớp 7 và con gái út năm nay vào lớp 3. Vui vì các cháu đều chăm ngoan, học giỏi nhưng cứ mỗi dịp vào năm học mới là anh chị lại phải chạy đôn chạy đáo gách thóc đi bán lấy tiền mua sắm đồ dùng học tập và đóng góp cho các cháu. “Riêng khoản giấy bút, áo quần cho con vào năm học mới đã ngốn hơn nửa số thóc cả nhà cày cuốc một vụ. Đó là chưa kể các khoản đóng góp cho nhà trường còn lớn hơn nhiều, trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh trước năm học mới.” - chị Thành tâm sự.

Cùng điểm xuất phát như gia đình chị Thành nhưng nỗi lo của chị Nguyễn Thị Hạnh (Xóm 1- Thạch Kênh- Thạch Hà) còn nặng nề hơn. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị mấy hôm nay luôn tràn ngập những lời chúc mừng. Khi nghe tin đứa con trai của chị vừa nhận giấy báo đậu vào hai trường đại học, là Đại học y Huế và Đại học Xây dựng Hà Nội với số điểm khá cao, dân làng ai cũng đến chia vui.

Vui thì vui thật nhưng nỗi lo cũng hằn sâu trên khuôn mặt chị. Tài sản đáng giá nhất trong gia đình chị là chiếc ti vi cũ, ngoài ra không còn vật dụng gì đáng giá. Của đáng tội, bốn đứa con của anh chị lại luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng học lực của nhà trường. Hai vợ chồng chị cày 6 sào ruộng, năm được mùa được khoảng 2 tấn thóc, nến bán tất cũng chỉ được khoảng 7 triệu đồng. Bản thân chị lại mang trong mình chứng bệnh đau thần kinh thường xuyên phải dùng đến thuốc. Bên cạnh còn phải chăm sóc mẹ chồng ngoài 80 tuổi bị bại liệt nằm một chỗ từ nhiều năm nay.

“Khi biết tin con đậu hai trường đại học, vợ chồng tôi vui lắm. Quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng giờ con đậu đạt như rứa, cha mẹ nào chẳng nở mày nở mặt. Khổ một nỗi, 4 đứa con tui đều đang đi học, đứa lớn học năm thứ hai trường Đại học Hà Tĩnh, đứa thứ hai và thứ tư đang học cấp hai, giờ em nó đậu đại học, nghe đâu học phí năm nay lại tăng, vợ chồng đêm nằm thao thức chưa biết tính răng” - chị Hạnh rơm rớm nước mắt.

Có chung niềm tâm sự với chị Hạnh, vợ chồng chị Liên (thị trấn Nghèn- Can Lộc) cũng không khỏi lo lắng khi nhà trường thông báo về mức đóng góp đầu năm học cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp 10. Anh làm nghề sữa xe, còn chị bán hàng tạp hoá ở chợ. Chị kể: “Năm nay đứa lớn vào lớp 10, đầu năm học phải đóng bao nhiêu là khoản. Thu nhập của hai vợ chồng chẳng đáng là bao nhưng vì tương lai của con nên phải cố gắng chèn lưng bóp bụng lo cho các cháu được đến trường”.

Còn chị Nguyễn Thị Phương (phố Xuân Diệu - TP Hà Tĩnh), tâm sự: “Trong thời buổi cái gì cũng tăng, với mức lương giáo viên hợp đồng của hai vợ chồng sống ở thành phố đã quá chật vật, nay lại thêm khoản đóng góp tiền ăn, tiền trường cho con, lại càng thêm khó. Mang tiếng là công chức nhà nước nhưng cân nhắc mãi vợ chồng tôi vẫn chưa chọn được trường mầm non nào để gửi cô con gái 3 tuổi, vì mức đóng góp đầu năm của trường thấp nhất cũng đã ngốn hết lương tháng của 2 vợ chồng, chưa kể tiền ăn hàng tháng cho cháu”.

Và cơ hội đến trường

Để cân bằng giữa nhu cầu tăng nguồn chi với khả năng chi trả của người dân, Bộ GD và ĐT đã chỉnh sửa theo hướng đề xuất tăng dần học phí theo lộ trình. Theo đề án đổi mới cơ chế tài chính trình Quốc hội thì việc nâng học phí sẽ thực hiện từ 2009-2014. Theo đó, học phí tăng dần theo từng năm tiến tới mức cao nhất vào năm 2014. Đặc biệt, học phí bậc ĐH với mức 180.000 đồng/tháng sẽ nâng lên 255.000/ tháng trong năm học này.

Lựa chọn đồ dùng học tập Ảnh: Bá Tân

Lựa chọn đồ dùng học tập

Ảnh: Bá Tân

Con đường đi tìm con chữ và mong muốn cho con đi học để thoát nghèo, thay đổi tương lai của nhiều gia đình thật nhiều chông gai, trắc trở. Với kỳ vọng thoát nghèo, người dân mong muốn con em mình học hành thành đạt nhưng các khoản đóng góp học phí đang là thách thức đối với cơ hội đến trường của nhiều học sinh. Không những học phí tăng mà bây giờ giá các mặt hàng đồ dùng học tập cũng tăng khiến cho các bậc phụ huynh khốn đốn.

Mặc dù bây giờ có chính sách vay vốn cho sinh viên đi học nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, bao nhiên lúa, khoai, lợn, gà tích cóp cả năm cũng không đủ theo con vào năm học mới. Không chỉ bậc đại học, mức thu ở các cấp học đều có chiều hướng tăng nhanh. Một năm học phụ huynh phải đóng nộp rất nhiều khoản tiền: Tiền trường, học phí, học thêm, bảo hiểm, gửi xe, tài liệu, lao động, quỹ lớp…

Đặc biệt, với bậc học mầm non ngoài những khoản đóng góp theo quy định còn tiền ăn, tiền giữ trẻ, tiền sữa, bao nhiêu là khoản. Bên cạnh đó, nếu đăng ký vào lớp mẫu giáo chất lượng cao hay trường mẫu giáo tư thục với điều kiện học tập tốt hơn thì các bậc phụ huynh sẽ phải đóng góp gấp 2, 3 lần nên cơ hội được học trong các môi trường tốt chỉ thích hợp với con em các bậc “đại gia”.

Cuộc sống có nhiều nỗi lo, song nỗi lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn luôn là niềm trăn trở không biết đến bao giờ của các bậc phụ huynh?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast