Xây dựng công trình nước sạch trường học: Khó chồng lên... khó!

(Baohatinh.vn) - Hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư xây mới hàng trăm công trình nhưng đến nay tỷ lệ trạm y tế, trường học vùng nông thôn có nước sạch vẫn không đạt chỉ tiêu đề ra...

Trường Mầm non Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) từ nhiều năm nay được xem là trường điểm của cụm. Thiết kế hiện đại, tiện ích, khuôn viên thân thiện, hiện trường có gần 400 trẻ bán trú. Đầu năm 2015, trường được thụ hưởng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Cô Dương Thị Hải Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây, nguồn nước duy nhất chỉ có giếng khoan. Nước nhiễm sắt, không đảm bảo chất lượng khiến chúng tôi rất lo lắng đến an toàn cho sức khỏe, chế độ dinh dưỡng của trẻ. Từ đầu 2015, Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên đi vào hoạt động đã tháo gỡ khó khăn lâu nay của nhà trường, địa phương. Đến nay, cả hai cụm trường đã có nước sạch về tận nơi”.

Xây dựng công trình nước sạch trường học: Khó chồng lên... khó! ảnh 1

Nguồn nước nhiễm phèn khiến bể chứa của Trường THCS Thắng Tượng bị nhuộm màu vàng.

Nói là vậy nhưng khó khăn vẫn ngổn ngang, gần 1 năm có nước mới mà trường vẫn chưa thể sử dụng 100%. Một phần vì lượng nước chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, dù đã đầu tư bể chứa, mở suốt cả ngày nhưng lượng nước dự trữ cũng chỉ mới đáp ứng cho bộ phận nhà bếp, còn vệ sinh cho các cháu vẫn phải dùng nước nhiễm phèn từ giếng khoan. Một nguyên nhân khác là vì nguồn ngân sách chưa đủ để đầu tư đồng bộ nguồn cấp mới.

“Dự tính năm nay, chúng tôi sẽ cho vệ sinh, xử lý lại toàn bộ bể chứa, thay đường ống để sử dụng nước máy 100%. Đối với trẻ mầm non thì chăm sóc và nuôi dưỡng là yếu tố quan trọng nhất, trong đó, không thể thiếu nguồn nước sạch” - cô Hải Bình cho biết thêm.

Không may mắn như Trường Mầm non Cẩm Thành, tại điểm xây dựng Trường THCS Thắng Tượng, Thạch Thắng (Thạch Hà) chưa có công trình cấp nước tập trung nào. Tất cả từ sinh hoạt của học sinh, khu nội trú giáo viên, nhà vệ sinh chỉ trông chờ vào hai bể chứa nước giếng khoan (một bể lọc, một bể nước sạch) đã hoen gỉ, ố vàng. Còn cái các thầy gọi là nước sạch để phục vụ ăn uống là một bể nước mưa lâu ngày xuống cấp, rêu, rác hiện rõ mồn một do không còn nắp đậy.

Thầy Phan Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường được xây dựng từ năm 2001, từ đó đến nay không được sửa chữa gì nhiều. Nguồn ngân sách tu sửa hàng năm chỉ đủ dành cho phòng học, phòng làm việc, còn đầu tư nguồn nước hay khu vệ sinh thì ngoài tầm tay. Nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên thứ gì cũng bị nhuộm vàng. Năm học 2015-2016, trường đang trong lộ trình xây dựng chuẩn quốc gia nhưng tiêu chí vệ sinh vẫn là khó nhất”.

Gia đình thầy Lê Anh Hùng, quê tận Đức Thọ đã về dạy ở trường được mấy năm. Mối nhân duyên đã tác hợp thầy với một cô giáo cùng trường. Một chốn, đôi quê, đồng lương của giáo viên chưa thể đủ xây nhà, vì thế, vợ chồng chọn ở khu nội trú của trường, dù không còn mấy khang trang nhưng cũng cao ráo, sạch sẽ. Nhưng lo nhất vẫn là nước sạch.

Xây dựng công trình nước sạch trường học: Khó chồng lên... khó! ảnh 2

Trường Mầm non Cẩm Thành đang có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước để đảm bảo 100% sinh hoạt sử dụng nước sạch.

“Nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn nặng, lọc mấy cũng không được. Nấu lên, để nguội là có lớp váng, không dám ăn. Ăn uống chỉ trông chờ vào bể nước mưa như chị thấy, có bẩn, đục cũng đành chịu vì nếu nạo vét thì lỡ trời không mưa, lấy gì mà ăn” - thầy Hùng tâm sự.

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến hết năm nay sẽ kết thúc, tuy nhiên, các trường học, trạm y tế vẫn chưa đạt chuẩn nước sạch theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn hạn hẹp, phân bổ chậm. Mỗi năm, nguồn ngân sách cho lĩnh vực này chỉ 4-6 tỷ đồng, dành cho cả trạm y tế, trường học, trong khi số lượng “trống” nước sạch vùng nông thôn lại quá lớn.

Ngay như năm 2015, mặc dù hạn chót của kế hoạch đã hết nhưng ngân sách xây dựng công trình nước sạch cho trạm y tế, trường học lại không được phân bổ. Số tiền ít ỏi dôi dư thậm chí không đủ trả nợ cũ.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast