Mới học lớp 3 nhưng Khôi đã được bạn bè trong lớp nể phục không thua gì các siêu nhân anh hùng trong phim mặc dù sức học của cậu thuộc loại bình thường, lại không có năng khiếu gì đặc biệt, bởi cái tính chịu chơi và chịu chi. Không chỉ rộng rãi trong việc bao bạn bè ăn uống mà Khôi còn hào phóng mua cả đồ chơi đắt tiền tặng cho mấy đứa bạn thân. Hỏi ra mới biết, tiêu chuẩn của Khôi mỗi ngày đi học, riêng tiền ăn sáng thôi đã là 100.000 đồng, chưa kể tiền tiêu vặt hằng tuần được bố mẹ cho riêng.
Nhận thức về tiền bạc của trẻ được hình thành từ năm 7 tuổi, theo nghiên cứu của các giáo sư ở ĐH Cambridge |
Trong khi đó, mặc dù đã học lớp bảy nhưng Tú ít khi nào được dịp tự tay mình cầm tiền đi mua bất cứ một thứ gì. Đơn giản là do ba mẹ của Tú không muốn con cái tiếp xúc với tiền. Từ sách vở, dụng cụ học tập cho đến các khoản nho nhỏ như mua báo, quỹ lớp, nuôi heo đất, giúp bạn vượt khó… đều do ba hoặc mẹ vào tận lớp đóng góp. Lắm lúc Tú cũng mong được như bạn bè, tự tay mua cây kẹp, dây buộc tóc cho mình hay cùng bạn bè xuống căn tin mua đồ ăn vặt…
Theo nghiên cứu của các giáo sư ở ĐH Cambridge, nhận thức về tiền bạc của trẻ được hình thành từ năm 7 tuổi. Vậy làm sao để bắt đầu giáo dục con ở lứa tuổi này về tiền bạc?
1. Hãy để trẻ học tập cách chúng ta mua sắm
Không gì có thể dạy trẻ cách sử dụng tiền tốt hơn giáo dục trực quan. Cụ thể là cho con được nhìn thấy cách bạn tiêu tiền. Hãy dẫn trẻ đi mua sắm cùng gia đình. Khi lựa những món đồ cần mua, bạn hãy giải thích để con được biết vì sao bạn quyết định chọn mua sản phẩm này.
Thông qua việc này, trẻ sẽ học được việc không nên mua tất cả những món mình thích, mà mua vì món đồ đó phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân hay gia đình. Đây cũng chính là cách dạy con sử dụng tiền sớm nhất, có thể bắt đầu cả với những trẻ ở độ tuổi nhỏ khi đã hiểu mọi người xung quanh nói gì.
Tập cho trẻ biết cân nhắc khi đi mua hàng là giúp trẻ nhận ra giá trị của đồng tiền |
2. Đưa cho trẻ một khoản tiền cố định hằng tuần
Với những trẻ lớn hơn, bạn hãy đưa cho bé một số tiền cụ thể hằng tháng mà con được phép chi tiêu. Điều này sẽ giúp trẻ sớm học được cách sử dụng tiền hợp lý, hạn chế việc vòi vĩnh mua nhiều thứ không cần thiết. Một số gia đình dùng tiền trả công cho những việc nhà mà trẻ được giao. Tuy nhiên, điều này dẫn tới hệ quả là đứa trẻ sẽ chỉ làm việc nhà khi được trả tiền, các chuyên gia cảnh báo. Vì vậy hãy khuyến khích trẻ đóng góp công sức vào việc nhà, và coi đó là thành tích đáng được tuyên dương chứ không phải để được trả tiền.
3. Hãy nói với trẻ tiền từ đâu mà có
Hai nhà tâm lý học nổi tiếng của Ý Anna Berti và Anna Bombi nhận xét trẻ trong độ tuổi từ bốn đến năm thường nghĩ rằng mọi người ai cũng có tiền và ngân hàng là nơi phát tiền cho mọi người sử dụng. Phần lớn trẻ chỉ được nhìn thấy bố mẹ, người thân đến quầy giao dịch ngân hàng hay cây ATM rút tiền, nên không có gì ngạc nhiên khi trẻ có suy nghĩ như vậy.
Hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu tiền thực sự từ đâu mà có. Nói với trẻ về công việc mà bạn làm, bạn được trả lương như thế nào, vì sao ngân hàng đưa tiền cho bạn. Bằng cách này, con của bạn sẽ dần hiểu được tiền có được là dựa trên lao động, công sức; chính vì thế không nên phí phạm hay sử dụng hoang phí đồng tiền kiếm được.
Ngoài việc giải thích nguồn gốc của tiền, bạn cũng có thể nói với con về khả năng tài chính của gia đình, có những khoản bạn có thể chi trả, có những khoản bạn không thể. Bạn cũng có thể cởi mở với con về kế hoạch chi tiêu trong gia đình, tranh luận với con về kế hoạch sử dụng tiền hằng tháng. Sự chia sẻ sẽ giúp con hiểu được cách chi tiêu của gia đình cũng như giúp bạn biết được nhu cầu sử dụng tiền của trẻ.
4. Khuyến khích trẻ sử dụng tiền để trải nghiệm
Nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn đã đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng việc chi tiền cho những trải nghiệm mang lại hạnh phúc nhiều hơn so với sử dụng tiền để mua đồ. Hãy định hướng, gợi ý cho con ý tưởng này, ví dụ bạn có thể nói với con thay vì mua một chiếc tivi mới, một chuyến dã ngoại cuối tuần cùng với cả gia đình sẽ vui và thú vị hơn nhiều.
Tiết kiệm cũng là một phần trong nội dung giáo dục trẻ cách xài tiền |
5. Ủng hộ con phát triển khả năng tính toán
Những đứa trẻ không giỏi việc tính toán thường có xu hướng lo lắng về tiền bạc nhiều hơn những trẻ cùng lứa tuổi. Ngược lại đứa trẻ giỏi toán thì phần lớn biết chi tiêu hợp lý, có khả năng tiết kiệm tiền hay thậm chí còn biết sử dụng tiền cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Chính vì vậy, bạn nên khuyến khích con tính toán các khoản chi tiêu, phát triển khả năng toán học cũng như cân đối tài chính.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi bạn áp dụng nguyên tắc dạy con sử dụng tiền mà kết quả chưa đạt được như ý muốn, hãy luôn tâm niệm rằng quá trình nuôi dạy đứa trẻ cần nhiều thời gian và không thể vội vàng. Sự quan tâm và định hướng từ cha mẹ là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của một đứa trẻ.