Giúp thanh niên phạm tội hoàn lương

Ngoài sự nỗ lực của người đang thụ án thì sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, xã hội, chính quyền địa phương, đặc biệt là trại giam sẽ là “chất xúc tác” góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hoàn lương, hướng thiện của họ...

Bước qua lầm lỡ…

Trong số phạm nhân cải tạo tại Trại giam Xuân Hà, Nguyễn Cảnh Chín (26 tuổi, quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là một trong những người được các giám thị rất tin tưởng, không chỉ bởi Chín có năng khiếu hội họa mà còn bởi anh là một trong những phạm nhân tham gia cải tạo tốt nhất, có khao khát hoàn lương.

Trong căn buồng gặp gỡ phạm nhân của trại, Chín không ngần ngại kể cho tôi nghe quãng đời lầm lỗi của anh. “Em thấy rất có lỗi với mẹ và các anh chị. Mỗi khi họ đến thăm, lòng em đau thắt, xấu hổ. Bố em đã mất, còn mẹ nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn không được sống những ngày thảnh thơi cũng vì em” - Chín nghẹn lời.

Phạm nhân Trại giam Xuân Hà học nghề đính hạt cườm.
Phạm nhân Trại giam Xuân Hà học nghề đính hạt cườm.

Năm 2010, đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, do tuổi trẻ bồng bột, bị bạn bè rủ rê, Chín đã tham gia vào nhóm chặn xe ô tô chở gỗ chạy ngang qua địa phận xã Nhân Sơn để “làm luật” và đòi tiền. Hai chuyến đầu, hành vi của nhóm trót lọt nhưng đến lần thứ 3, nhóm phạm tội bị phát hiện và bị bắt giữ.

Chín kể: “Lúc mới vào trại, em vô cùng chán nản và nghĩ rằng tương lai mình thế là hết. Nhưng sau 1 năm cải tạo, được cán bộ quản giáo động viên, em đã lấy lại được tinh thần và nghị lực sống”. Do chăm chỉ cải tạo, Chín đã có 2 lần được giảm án. Nhờ có năng khiếu hội họa nên Chín được các giám thị giao cho nhiệm vụ đội trưởng đội văn hóa, thường tham gia phục vụ các hội nghị, chương trình văn nghệ trong trại, làm các chương trình truyền thanh, phát báo cho phạm nhân…

Đại úy Nguyễn Thị Thương - Phó đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết: “Nhiều em là sinh viên giỏi, thủ khoa của các trường đại học nổi tiếng nhưng vì tuổi trẻ nông nổi, yêu đương mù quáng nên tự trói cuộc đời của mình tại trại giam này”.

Trong số đó có phạm nhân Nguyễn Đức Nghĩa (24 tuổi, ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Nghĩa từng là sinh viên giỏi của Trường Đại học FPT, phạm tội làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước và phải lĩnh án 6 năm tù. Nghĩa chia sẻ: “Giờ em chỉ mong khi ra tù vượt qua được mặc cảm xã hội. Hiện, em đang học nghề làm bánh mì để khi ra tù có thể tự nuôi bản thân, làm lại cuộc đời”.

Thắp sáng ước mơ hoàn lương

Trong gần 2.000 phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà, có hơn một nửa trong độ tuổi thanh niên, mỗi năm, đơn vị trả về địa phương hàng trăm phạm nhân biết ăn năn hối cải. Trại giam chỉ có trách nhiệm giam giữ, cải tạo phạm nhân trong thời gian họ chấp hành án phạt. Còn phạm nhân sẽ trở thành người như thế nào sau khi tái hòa nhập cộng đồng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, yếu tố có việc làm và môi trường lao động thuận lợi là rất quan trọng, giúp họ chí thú làm việc, từ bỏ bạn bè xấu, gạt bỏ quá khứ lỗi lầm.

Thực tế cho thấy, nhiều bị cáo đã từng vào tù, ra tù lại tiếp tục phạm tội chỉ vì lý do không có việc làm ổn định, tự ti, mặc cảm... Do vậy, ngoài sự nỗ lực của người đã từng vi phạm pháp luật thì sự quan tâm hỗ trợ từ phía các tổ chức đoàn thể, xã hội, chính quyền địa phương sẽ là “chất xúc tác” góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hoàn lương, hướng thiện của họ. Để giúp đỡ phạm nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Trại giam Xuân Hà đã liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh GQVL cho những phạm nhân cải tạo tốt ra trại…

Hiện, Trại giam Xuân Hà đang phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thực hiện chương trình “Giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2013-2015”. Theo đó, từ nay, khi các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên được trả về địa phương, các tổ chức Đoàn, Hội của địa phương đó sẽ phối hợp với chính quyền sở tại thường xuyên thăm hỏi, động viên, vận động họ cùng tham gia các hoạt động đoàn, hội, đồng thời hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm giúp họ không mặc cảm tự ti, có công ăn việc làm, sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Nguyễn Thế Hoàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Hiện nay Tỉnh đoàn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối tượng thanh niên để họ không phân biệt kỳ thị, quan tâm, chia sẻ nhằm giúp các phạm nhân làm lại cuộc đời. Chúng tôi sẽ đồng hành với các thanh niên hoàn lương trong quá trình họ tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ sớm trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”.

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...