Nhiều làng quê đã "thay da đổi thịt" nhờ xuất khẩu lao động. Trong ảnh: Xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) là nơi có số lượng người di cư lớn. Ảnh: Hoài Nam
Là địa phương sống bằng nghề biển nhưng vài năm trở lại đây, xã Thạch Kim (Lộc Hà) đang đứng trước bài toán nan giải khi nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là phần lớn thanh niên ly quê lập nghiệp. Lực lượng lao động nghề biển nơi đây đang thiếu về số lượng và đang có xu hướng ngày một già hóa.
Ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: "Tại Thạch Kim, hiện nay, số lượng lao động đi biển chỉ còn khoảng 600 người, trong đó, độ tuổi từ 45 trở lên chiếm tới hơn 70%, và rất nhiều tàu có 100% lao động độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi.
Thực trạng thiếu và già hóa độ tuổi lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nghề truyền thống, năng suất lao động, đồng thời rất khó khăn trong việc vận động bà con thực hiện các chính sách của cấp trên trong việc cải hoán tàu thuyền”.
Lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, phụ nữ đã trở thành lực lượng lao động chính ở các làng quê
Theo số liệu khảo sát của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh, Lộc Hà là một trong những địa phương có số lượng lao động di cư đông nhất tỉnh với hơn 6 ngàn người. Việc di dân không chỉ khiến bài toán lực lượng lao động thêm khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô, chất lượng dân số.
Ông Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lộc Hà cho biết: "Thực trạng ly quê của lực lượng lao động trẻ khiến việc ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương gặp nhiều khó khăn”.
Di cư được coi là một giải pháp để người dân tìm cơ hội cuộc sống, việc làm tốt hơn. Trên thực tế, không ít gia đình đã đổi thay đời sống đáng kể từ khi có người thân đi xuất khẩu lao động. Cương Gián (Nghi Xuân) đã trở thành xã có thu nhập hàng đầu toàn tỉnh khi có hơn 2.700 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Tuy nhiên, Cương Gián lại là nơi tình trạng ly hôn xuất hiện ngày càng nhiều với con số thống kê trên 200 cặp. Sự “tan đàn, xẻ nghé” của các gia đình đã để lại tổn thương, mất mát về tinh thần khó có thể hàn gắn.
Những lúc ốm đau, người cao tuổi rất mong có người thân bên cạnh động viên, chăm sóc
Chị Lê Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN xã Cương Gián cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng 900 phụ nữ đi xuất khẩu lao động. Đời sống vật chất của các cháu luôn đầy đủ, nhưng tôi biết rằng, trong thâm tâm của các cháu luôn khao khát hơi ấm từ vòng tay mẹ”.
Bên cạnh đó, việc ly quê tìm kiếm việc làm khiến người già lúc ốm đau không có con cái ở bên cạnh lo toan, chăm sóc. Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý người cao tuổi nói riêng cũng như việc chăm sóc và nuôi dưỡng người thân trong gia đình nói chung.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 41.790 người di cư. Mặc dù Hà Tĩnh đang trong thời kỳ dân số “vàng” khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc, tuy nhiên, thực trạng này đang làm ảnh hưởng tới chất lượng dân số, gây tác động bất lợi đối với việc phát triển KT-XH của các địa phương.