Các chương trình mục tiêu về công tác DS-KHHGĐ ở Hà Tĩnh được triểu khai sâu rộng, có hiệu quả
Kiện toàn bộ máy công tác dân số
Từ tinh thần Nghị quyết 78 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020, những khó khăn trong cơ cấu tổ chức bộ máy, con người làm công tác dân số, đặc biệt là ở cấp cơ sở qua quá trình giải thể, tách, nhập… đã được giải quyết.
Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện khá hoàn chỉnh ở cả cấp huyện và xã. Tại cấp huyện, bộ máy làm công tác dân số được bố trí đủ biên chế theo quy định của trung ương và của UBND tỉnh. 13/13 huyện, thị, thành phố thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ, từ đó mỗi thành viên đều phát huy vai trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Mạng lưới 263 cán bộ và 3.127 cộng tác viên dân số được kiện toàn
100% xã phường, thị trấn có quyết định thành lập Ban Dân số xã và bố trí 1 cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác DS-KHHGĐ (riêng xã Cương Gián huyện Nghi Xuân do dân số đông nên bố trí thêm 1 người - phụ cấp do ngân sách huyện, xã chi trả).
Đội ngũ cộng tác viên dân số cũng được kiện toàn và kiêm nhiệm các chức danh dân số, gia đình và y tế thôn bản. Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu về bằng cấp, trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ dân số cơ sở được nâng cao thông qua các đợt tập huấn cung cấp về kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động, những chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước về công tác DS-KHHGĐ…
Cán bộ dân số xã Xuân Thành (Nghi Xuân) bám nắm cơ sở, tuyên truyền tới tận người dân thực hiện về các chủ trương, chính sách dân số
Với mạng lưới 263 cán bộ và 3.127 cộng tác viên dân số, việc thực hiện các kế hoạch, chương trình mục tiêu về công tác DS-KHHGĐ đã được triểu khai sâu rộng, có hiệu quả.
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghi Xuân cho biết: “Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì những cố gắng của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở đã góp phần tạo nên sự đồng thuận của đại đa số cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân. Nhờ thế, nhận thức về lĩnh vực dân số - KHHGĐ được nâng cao; quy mô gia đình nhỏ được các cặp vợ chồng chấp nhận nhiều hơn; vai trò, vị thế của người phụ nữ và trẻ em gái được nâng lên; vấn đề sức khỏe của bà mẹ, trẻ em tiếp tục được quan tâm và cải thiện”.
Tăng cường kinh phí hoạt động
Song hành với việc tham mưu, ban hành những chính sách... Nghị quyết 78 đã giải quyết cơ bản vấn đề kinh phí. Việc bố trí 0,1% tổng chi ngân sách thường xuyên cho công tác dân số của Nghị quyết 78 đã giải quyết tình trạng giao chỉ tiêu nhưng không bố trí kinh phí ở các cấp cơ sở.
Quy mô gia đình nhỏ được các cặp vợ chồng chấp nhận nhiều hơn
Anh Phạm Bá Quyền - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ Thạch Hà cho biết: “Nguồn kinh phí theo tinh thần Nghị quyết 78 đã tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc triển khai các chương trình, hoạt động để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt là có được sự chủ động trong triển khai và phủ sóng chiến dịch CSSKSS - KHHGĐ. Đó cũng là yếu tố để những năm qua, công tác dân số ở Thạch Hà ngày càng chuyển biến”.
Lời giải bài toán về kinh phí cho công tác dân số cũng tạo động lực mới cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở khi nguồn phụ cấp được cải thiện. Cụ thể, cán bộ dân số cấp xã được hưởng mức bằng 1,3 hệ số lương cơ bản, phụ cấp của CTV dân số cũng có phần cải thiện hơn. Cùng đó, những chính sách hỗ trợ thêm cho đội ngũ CTV dân số khi vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ cũng góp phần làm nên những kết quả đáng ghi nhận sau mỗi đợt chiến dịch. Đó chính là tiền đề để các địa phương thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.