Hà Tĩnh chưa phát hiện thuốc và thực phẩm bảo vệ chức năng giả

(Baohatinh.vn) - Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, người dân cần đến các cơ sở bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp phép để mua, không mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Thời gian qua, ngành chức năng liên tiếp phát hiện các đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả quy mô lớn tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, khiến dư luận bức xúc, hoang mang, lo lắng. Tại Hà Tĩnh, không ít người dân cũng bày tỏ sự bất an trước những vấn nạn này.

Bị bệnh tiểu đường nhiều năm, theo lời quảng cáo, ông T. C (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà) đã mua sữa dành cho người tiểu đường để dùng. Thế nên, ngay sau khi nghe các thông tin về đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả nhắm tới người bệnh tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai và trẻ sinh non, thiếu tháng, ông C. mới nhanh chóng gọi điện thoại cho người thân để kiểm tra đối với sữa mình đang uống lâu nay. Sau khi kiểm tra, mặc dù loại sữa này không nằm trong danh mục các loại sữa giả được cơ quan chức năng thu giữ nhưng cũng dấy lên một niềm lo lắng với ông C.

Người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Cũng từng đặt mua sữa quảng cáo trên mạng để bổ sung can xi, chữa bệnh xương khớp, tuy nhiên, do con cháu can ngăn kịp thời nên bà P.T.C. (xã Gia Hanh, Can Lộc) đã hủy nhận đơn hàng.

Sau khi xem các thông tin về sữa giả, thuốc giả, bà C. chia sẻ: “Tôi thực sự lo lắng và bức xúc bởi đây là các sản phẩm mà người bệnh, trẻ em thường dùng, nhưng thực - giả thế nào thì không ai biết cũng không ai đảm bảo. Rất mong các lực lượng chức năng vào cuộc tích cực nhằm điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Có thể nói, những lo lắng của người dân về thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả là hoàn toàn chính đáng, bởi nó gắn liền với sức khỏe, tính mạng, nhất là đối với trẻ em, người già, người bệnh.

Để giảm những lo lắng, bất an, đảm bảo sức khỏe cho người dân, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các văn bản phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược. Đồng thời, cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thuốc cổ truyền.

Ngành y tế chưa phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc giả.

Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Tĩnh, công tác kiểm tra về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm được Sở Y tế triển khai thường xuyên, liên tục. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các mặt hàng thuốc chữa bệnh, dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế. Qua kiểm tra 50 cơ sở, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở, đình chỉ hoạt động kinh doanh 7 cở sở do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ngành y tế tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để phát hiện kịp thời các sai phạm trong kinh doanh y dược.

Đặc biệt, vừa qua, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trong phạm vi quản lý. Qua kiểm tra các cơ sở hành nghề, chưa phát hiện có thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, chưa phát hiện hành vi liên quan đến nội dung tư vấn, kê đơn, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả.

Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu hành trên thị trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, bán lẻ thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các phòng khám chuyên khoa, phòng chuẩn trị y học cổ truyền, các cơ sở bán lẻ thuốc… tuân thủ các quy định pháp luật về hành nghề; xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm”.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng dạng sữa bột được xác định là hàng giả theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và khuyến cáo người dân không sử dụng 72 sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood đang được tiếp tục điều tra.

Cục Quản lý dược cũng cảnh báo về thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường với 4 sản phẩm giả gồm: viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), viên nén Tetracyclin TW3 do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất; viên nén Pharcoter (Codein base 10mg, Terpin hydrat 100mg), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) sản xuất; sản phẩm giả thuốc Neo-Codion và 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành như: nhức khớp tê bại hoàn, gai cốt hoàn, đa xoang mũi, viên vai cổ, thoái cốt hoàn plus...

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói