Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Giai đoạn 2021 - 2030, Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững, thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đó là mục tiêu tổng quát của dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được đơn vị tư vấn - Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) của Mỹ tiếp tục hoàn thiện.

Thành phố Hà Tĩnh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh đang được đầu tư xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại.

Để đạt mục tiêu này, BCG lựa chọn quan điểm phát triển của Hà Tĩnh là “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh.

BCG cũng xác định: “Bốn trụ cột - Ba đô thị - Ba hành lang - Một trung tâm - Ba nền tảng” làm trọng điểm phát triển chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, bốn trụ cột gồm: Công nghiệp (là động lực phát triển, tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy thép Formosa lên 15 triệu tấn/năm); Du lịch và thương mại (lĩnh vực có tiềm năng); Dịch vụ cảng, dịch vụ hậu cần (logistics) và vận tải (lĩnh vực mới có triển vọng lâu dài, cần được đầu tư kịp thời); Nông nghiệp (lĩnh vực quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế cho đại bộ phận người dân).

Ba đô thị động lực theo trục Bắc - Nam: TX Hồng Lĩnh kết nối với huyện Nghi Xuân - đô thị phía Bắc Hà Tĩnh; TP Hà Tĩnh; TX Kỳ Anh gắn với trung tâm phát triển KKT Vũng Áng là vùng đô thị động lực phía Nam.

Công nghiệp là động lực phát triển của Hà Tĩnh trong 10 năm tới

Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A và đường ven biển; Hành lang kinh tế dọc đường 8A và TX Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng là KKT Vũng Áng với lõi là KCN Vũng Áng - cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, trở thành cửa ngõ ra biển vùng Bắc Trung Bộ và Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Ba nền tảng gồm: Nguồn lực văn hóa, con người Hà Tĩnh; Cơ sở hạ tầng đồng bộ; Đổi mới hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hiện đại, minh bạch.

Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Hà Tĩnh.

Theo tính toán của BCG, tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,4%/năm; trong đó: giai đoạn 2021 - 2025 tăng 11,8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 9%/năm.

Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) của tỉnh đạt khoảng 151,9 triệu đồng/người (tương đương 6.200 USD) và đến năm 2030 là 290 triệu đồng (11.300 USD).

Cùng với phát triển công nghiệp, Hà Tĩnh cần phát triển trung tâm dịch vụ - hậu cần cảng, sớm hình thành Trung tâm logistics tại Vũng Áng, trở thành cảng trung chuyển quốc tế kết nối chiến lược với Lào và Đông Bắc Thái Lan

Tuy nhiên, theo ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh, mức dự kiến trên của BCG cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước và không khả thi.

Ttrên cơ sở thực tiễn và tính khả thi, Hà Tĩnh dự kiến mục tiêu bình quân đầu người của tỉnh đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu đồng và đến năm 2030 là 170 triệu đồng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 11 triệu đồng). Mức dự kiến này là đã xét đến việc hiện nay, Tổng Cục Thống kê đang rà soát lại chỉ tiêu GDP, theo dự kiến thì GDP cả nước tăng thêm khoảng 25,4% so với mức đã công bố.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được đơn vị tư vấn BCG tiếp tục hoàn thiện. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức độ nào để đảm bảo phù hợp thực tiễn, mang tính khả thi cao đã, đang được tỉnh Hà Tĩnh cũng như các bộ, ngành hết sức quan tâm. Đây là cơ sở quan trọng để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025 và định hướng phát triển những năm tiếp theo.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói