Việc tăng cường công tác tuyên truyền bằng phương pháp tư vấn trực tiếp cho từng đối tượng...
Chị Hoàng Thị Thùy Dương - cán bộ Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Trong năm qua, mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại tiếp tục củng cố, kiện toàn, mở rộng và phát triển. Tại Hà Tĩnh, ngoài Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh (đã sáp nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), 13 khoa CSSKSS thuộc các trung tâm y tế/trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, khoa sản của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh/huyện thì 262 trạm y tế có buồng đẻ và buồng khám phụ khoa”.
Cùng đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ như phân phối phương tiện tránh thai phi lâm sàng miễn phí (viên uống tránh thai, bao cao su), tiếp thị xã hội đã được triển khai với mục đích đưa dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến tận người sử dụng.
Việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển cũng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Theo đó, qua thực hiện đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” đã góp phần đưa tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 xuống còn 108 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
... và thực hiện có hiệu quả các chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ đã góp phần giảm sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh
Nguồn kinh phí và sự quan tâm của cấp trên cũng đã tạo cơ hội để ngành dân số tiếp tục duy trì và mở rộng đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” trên địa bàn. Nhờ đó, hàng trăm tình nguyện viên ở các xã, phường được cung cấp, cập nhật thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 1.280 người cao tuổi được khám sức khỏe, kê đơn cấp thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí. Việc cụ thể hóa chủ đề Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về dân số cũng được quan tâm, thể hiện bằng việc duy trì và mở rộng mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Ngoài các hoạt động tạo sân chơi lành mạnh, tổ chức giao lưu, đối thoại cho gần 8.000 bạn trẻ ở các trường THPT, việc mở rộng mô hình còn tạo cơ hội cho gần 2.500 thanh niên, vị thành niên được khám sức khỏe và tư vấn kiến thức.
Việc duy trì thường xuyên chế độ giao ban của đội ngũ cán bộ, CTV dân số cơ sở cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động
Song song với việc duy trì hiệu quả đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và hải đảo giai đoạn 2009 - 2020” tại 45 xã thuộc 6 huyện (Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh), việc đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn được thực hiện qua các chương trình hợp tác quốc tế.
Mô hình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ” giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo thỏa thuận hợp tác dự án Tăng cường năng lực y tế công (giữa Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam với Tổng cục DS-KHHGĐ và Trung tâm Sức khỏe sinh sản cộng đồng) triển khai tại 13 xã trên toàn tỉnh. Mục tiêu của mô hình là thúc đẩy cung ứng và tăng cường tiếp cận của cộng đồng đối với dịch vụ KHHGĐ có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân.
Sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, bố trí nguồn vốn nhằm duy trì hiệu quả các chương trình, đề án, mô hình là động lực để ngành dân số ổn định quy mô, chuyển dần từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu