Hà Tĩnh kiểm soát thị trường, quyết giảm chỉ tiêu tăng CPI dưới 4%

(Baohatinh.vn) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2020 của Hà Tĩnh tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình nhiều năm đòi hỏi các ngành chức năng chủ động theo dõi, dự báo thị trường và các yếu tố tác động gián tiếp để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp trong giai đoạn “nước rút”.

Hoạt động mua sắm của người dân tại Hà Tĩnh trong những tháng đầu năm diễn ra ổn định.

CPI tại Hà Tĩnh có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Sau khi tăng tương đối cao trong nửa đầu năm, CPI tại Hà Tĩnh đang có những biến động khá tích cực. CPI bình quân quý I tăng 5,45%, đến quý II đã giảm xuống 4,25%, quý III còn 4,04%, tiệm cận mục tiêu dưới 4% được Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Kết quả đó nhờ chính sách liên quan đến điều hành giá thời gian qua tương đối phù hợp, kể cả đối với các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá xăng, dầu những tháng đầu năm ít có biến động do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Theo bà Uông Thị Hoàn - Trưởng phòng Thống kê Thương mại (Cục Thống kê Hà Tĩnh), yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm kinh tế chưa thể hồi phục được ngay, khiến cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường ít biến động và duy trì ở mức thấp. Đồng thời, giá thịt lợn tại Hà Tĩnh đã hạ xuống nhiều do quá trình tái đàn, tăng đàn trên địa bàn có những dấu hiệu tích cực.

Giá thịt lợn tại Hà Tĩnh đang trên đà giảm xuống, kiến người tiêu dùng “dễ thở” hơn.

Theo đánh giá, CPI tại Hà Tĩnh đang trong xu hướng tăng chậm lại là yếu tố quan trọng có tác dụng ổn định tâm lý đối với người dân trong lúc kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Từ góc độ tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Lam (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hầu hết giá các mặt hàng, nhất là thực phẩm, rau quả không có đột biến lớn. Đặc biệt, trong đợt cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hoá vẫn đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người dân. Giá thịt lợn hiện đã thấp hơn hẳn so với thời điểm đầu năm, khiến người tiêu dùng “dễ thở” trong chi tiêu hằng ngày”.

Hàng hoá tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng.

Thận trọng điều hành giá cuối năm

Tuy đã có những biến chuyển tích cực nhưng CPI bình quân 9 tháng năm 2020 vẫn tăng 4,04%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, gây áp lực lớn lên quá trình điều hành giá những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, yêu cầu đặt ra vẫn là tiếp tục tìm giải pháp và tận dụng những “dư địa” còn lại để khống chế chỉ số giá ở mức dưới 4% nhằm hỗ trợ đời sống người dân, góp phần bảo đảm an sinh, giữ ổn định đời sống, tâm lý xã hội.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng tại Hà Tĩnh.

Theo phân tích của Cục Thống kê, một số yếu tố sẽ “đẩy” CPI quý IV lên cao như giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại được khôi phục.

Tại Hà Tĩnh, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống của người dân.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giá thịt lợn, giá gạo có thể tiếp tục giảm xuống góp phần làm ổn định lạm phát; thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và mưa nhiều khiến khối lượng tiêu dùng điện, nước giảm theo.

Chủ động lên kịch bản cung ứng hàng hoá cho thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong những tháng cuối năm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Tình hình những tháng cuối năm sẽ còn nhiều thay đổi. Vì thế, Sở Công thương, các sở, ngành và địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh, theo dõi diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả, rà soát các biến động trên địa bàn.

Bên cạnh đó là chủ động chuẩn bị các nguồn hàng, lên kịch bản với các doanh nghiệp lớn để kịp thời bình ổn thị trường khi nhu cầu mua sắm, nhất là thực phẩm, hàng gia dụng tăng cao vào dịp cuối năm. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ giải pháp “kéo” giá thịt lợn xuống thấp hơn nữa, tạo điều kiện điều hành giá thực phẩm".

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói