Hạn chế “đất, cát tặc” từ quản lý hóa đơn thuế là một trong hàng loạt các giải pháp để siết chặt quản lý tài nguyên đất, cát trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian gần đây.
Mỗi chuyến xe xuất mỏ đều phải có hóa đơn GTGT theo quy định.
Anh Nguyễn Văn Thiện – lái xe tải chuyên cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) tại TP Hà Tĩnh cho biết: "Trước đây, khi cung cấp cát, đất san lấp cho các công trình xây dựng nhà ở của dân, hầu hết không cần hóa đơn nên chúng tôi cũng không lấy. Còn ở các công trình lớn của các công ty, doanh nghiệp để đầy đủ thủ tục thanh toán thì có lấy hóa đơn nhưng theo đợt. Hiện nay, chúng tôi bắt buộc phải có hóa đơn GTGT trên mỗi chuyến hàng, nếu không có sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt".
“Khi xây dựng nhà ở, chúng tôi không cần hóa đơn GTGT của đất, cát vì nếu lấy hóa đơn sẽ phải trả thêm tiền. Ví dụ một chuyến cát nếu không lấy hóa đơn chỉ phải mất khoảng 2 triệu nhưng lấy hóa đơn sẽ mất nhiều hơn thế. Khi xây nhà, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó chứ chúng tôi không nghĩ, việc này có thể vô tình tiếp tay cho nạn khai thác lậu” - chị Trần Thị Phương (TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Một hóa đơn được cung cấp khi mua cát san nền trên địa bàn Hà Tĩnh.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục Trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh Trương Quang Long cho biết: Việc cung cấp hóa đơn GTGT khi xuất bán hàng hóa được quy định rõ trong Thông tư số 39/2014/TT-BCT của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thi hành các nghị định của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Việc yêu cầu hóa đơn ngay trên mỗi chuyến hàng như hiện nay góp phần quản lý tốt đầu vào – đầu ra của các mỏ khoáng sản, quản lý chặt chẽ hơn sản lượng khai thác để hạn chế việc khai thác không đúng quy định.
Ngoài ra, thời gian qua, một số doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thắc mắc về việc đất, cát được vận chuyển từ mỏ về bãi tập kết và từ bãi tập kết này đến bãi tập kết khác của công ty thì có cần phải xuất hóa đơn GTGT hay không? Về vấn đề này, ngành thuế cho biết, trường hợp doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở các địa phương để bán thì được sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hợp pháp, kèm theo lệnh điều động nội bộ theo quy định và khi bán hàng phải tại cơ sở phải lập hóa đơn theo quy định.
Các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp siết chặt quản lý, khai thác khoáng sản trái phép là một trong những nguyên nhân của hiện tượng tăng giá cát trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn theo từng chuyến hàng cũng đặt ra nhiều vấn đề phải bàn. Theo đó, tính trung bình mỗi mỏ đất, cát có khoảng 10 xe với công suất 6 chuyến/ngày. Như vậy, sẽ có khoảng 60 chuyến hàng xuất mỏ tương đương với 60 hóa đơn GTGT phải cung cấp. Việc này đặt ra cho doanh nghiệp phải cắt cử người kiểm soát liên tục nếu không dùng hóa đơn điện tử.
Trong khi đó, trừ trường hợp tất cả các xe đều được cơ quan chức năng kiểm tra đầy đủ, còn nếu như, một xe có thể được kiểm tra vài lần/ngày thì ai dám chắc những hóa đơn chưa được kiểm tra sẽ bị xoay vòng.
Do vậy, trong thời gian tới, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng với các giải pháp hiệu quả để công tác quản lý khoáng sản nói chung, đất, cát xây dựng nói riêng từng bước đi vào ổn định.
Riêng ngành thuế tiếp tục triển khai các giải pháp về kiểm tra hồ sơ kê khai thuế với toàn bộ các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối chiếu xác minh hóa đơn mua vào, bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh VLXD trên địa bàn quản lý... để kiểm tra tính hợp pháp của nguồn gốc hàng.