Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra, hậu kiểm về an toàn vệ sinh thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Năm 2021, Hà Tĩnh tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cấp, các ngành thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm.

Sáng 31/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân số và phát triển tỉnh và Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.

Năm 2020, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - cơ quan thường trực BCĐ công tác dân số và phát triển tỉnh đã ký hợp trách nhiệm phối hợp với các ban ngành, thành viên BCĐ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, truyền thông về công tác dân số và phát triển; đảm bảo hậu cần và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến cơ sở; thực hiện hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bùi Quốc Hùng báo cáo tổng kết công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020.

Trong năm, tổ chức 2 lớp tập huấn chính sách dân số cho cán bộ ban chấp hành các công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn lao động huyện Nghi Xuân, Hương Sơn; 2 lớp tập huấn cho cán bộ hội phụ nữ cấp huyện; 2 lớp tập huấn cho đoàn viên thanh niên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng: Cần bổ sung kinh phí hoạt động để cấp huyện thực hiện, triển khai tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình

Ngoài ra, BCĐ còn phối hợp tổ chức 2 hội thi Người cao tuổi - Sống vui, sống khỏe tại huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên; 2 hội thi tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên giữa các trường THPT thuộc thành phố Hà Tĩnh và Cẩm Xuyên và nhiều hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số…

Tuy nhiên, hoạt động DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn, hạn chế. Năm 2020, có 4/7 chỉ tiêu không đạt so kế hoạch đề ra, đó là: Tỷ lệ sinh trên hai con, tỷ số giới tính khi sinh; sàng lọc sơ sinh và tỷ lệ người mới sử dụng biện pháp tranh thai hiện đại.

Năm 2021, Hà Tĩnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sinh thô 0,4%; giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,2 điểm phần trăm; giảm tỷ lệ sinh trên hai con 3%; đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước khi sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh Phan Văn Hùng báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020.

Đối với Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập 654 đoàn thanh, kiểm tra và tiến hành kiểm tra 11.164 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 957 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 817 cơ sở với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; tịch thu tiêu hủy gần 9.000 kg động vật, sản phẩm động vật, hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn; 420 kg men rượu giả; 1,5 tấn nước mắm, ruốc…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân: Các cơ sở thực phẩm trong tỉnh đa phần là nhỏ, lẻ, hộ gia đình, thường xuyên biến động nên việc kiểm soát và cải thiện các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn

Trong năm, ngành chức năng đã cấp 999 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn có những hạn chế như: còn tồn tại tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà; công tác quản lý chất lượng trong chế biến thực phẩm, sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa triệt để...

Năm 2021, BCĐ liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đặt mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa: Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm gặp khó khăn.

Tại hội nghị, các thành viên của 2 BCĐ đánh giá, ghi nhận kết quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020, đồng thời phân tích những hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các BCĐ trong thời gian tới.

Triển khai nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị Sở Y tế tiếp thu ý kiến, kiến nghị của thành viên BCĐ để hoàn thiện Quy chế hoạt động của BCĐ công tác dân số và phát triển Hà Tĩnh; tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về công tác dân số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu kết luận cuộc họp.

Các huyện, thành phố, thị xã sớm kiện toàn lại BCĐ cấp huyện, đảm bảo kinh phí hoạt động cho công tác dân số và tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế thôn bản; bổ sung cán bộ chuyên trách về công tác dân số đối với trạm y tế xã còn thiếu và đảm bảo hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số.

Đối với BCĐ liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, năm 2021, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền; chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn để xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cấp, các ngành; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp.

Nâng cao chất lượng, năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói