Sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra cuối tháng 5 đã để lại dấu ấn đậm nét trong bức tranh kêu gọi đầu tư của tỉnh năm 2023. Ngay tại hội nghị, Hà Tĩnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cùng 25 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước với 36 dự án có tổng mức đầu tư hơn 219.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Tiếp nối thành công này, Hà Tĩnh thu hút thêm nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư tiềm năng. Trong đó, nhiều dự án đã và đang được thẩm định như: Khu thương mại dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà; Khu công nghiệp (KCN) phía Tây TP Hà Tĩnh; KCN Gia Lách mở rộng, huyện Nghi Xuân; Nhà máy Thép không gỉ ở Khu kinh tế Vũng Áng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng; Công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City (TP Hà Tĩnh); Tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế Thịnh Lộc (Lộc Hà); Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)...
Ông Bùi Việt Phú - Phó Trưởng phòng Doanh nghiệp và Đầu tư (Sở KH&ĐT) cho biết: “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh đánh dấu bước tạo đà quan trọng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong năm 2023. Sau hội nghị, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư để hiện thực hóa các biên bản ghi nhớ đã được ký kết. Đến nay, trong số 36 dự án đã ký kết biên bản ghi nhớ tại hội nghị, có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) - VSIP, Khu đô thị Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà - MIPEC, Dự án thành phố giáo dục quốc tế - Nguyễn Hoàng”.
Hà Tĩnh cùng các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình và Bình Thuận được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án VSIP vào hồi tháng 8 năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) - VSIP là điểm sáng trong danh sách các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023. Đây là dự án đầu tiên mà Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam Singapore đầu tư vào Hà Tĩnh. Với tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, dự án VSIP giúp Hà Tĩnh giữ vững tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Dự án VSIP được kỳ vọng mang đến luồng sinh lực mới trong phát triển KT-XH của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Theo Sở KH&ĐT, năm 2023, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 24 dự án, trong đó có 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.305 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 70 triệu USD. Lũy kế đến nay, Hà Tĩnh có hơn 1.480 dự án trong nước với tổng mức đầu tư hơn 140.000 tỷ đồng và 71 dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư hơn 16,1 tỷ USD.
Có được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư nói trên là nhờ thời gian qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo các công bố vào đầu tháng 4/2023, thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh năm 2022 tăng 9 bậc so với năm trước, xếp thứ 18 cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 8 cả nước. Môi trường phát triển thân thiện và năng động, an ninh chính trị ổn định, cùng với sự chủ động, cởi mở trong việc tiếp cận, kết nối của tỉnh đã tạo sức hút để nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: "Năm 2023 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã vận dụng nhiều cách làm linh hoạt để vừa tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án vừa tiếp tục thực hiện các chính sách mời gọi, thu hút mới. Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã thành lập các tổ công tác để xử lý tồn đọng liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hoạt động xúc tiến đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược, qua đó tạo động lực phát triển KT-XH cho tỉnh nhà”.
Hà Tĩnh tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh trong và ngoài nước để cải thiện môi trường đầu tư. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo vùng Trnava (Cộng hòa Slovakia) tham quan tại KKT Vũng Áng.
Một trong những cách làm hay của Hà Tĩnh trong xúc tiến đầu tư năm 2023 là tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố để trao đổi, học tập kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức đoàn công tác làm việc, xúc tiến đầu tư tại một số nước châu Âu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường ký kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển KT-XH, liên kết vùng với các địa phương như: Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH, liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với tỉnh Hưng Yên; đánh giá 1 năm ký kết hợp tác 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Phi Dần - Chủ tịch CLB Doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Quang Phúc chia sẻ: “Phải khẳng định rằng, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh trong thời gian qua được cải thiện rõ rệt. Sự năng động trong cải cách thể chế và công tác quy hoạch đồng bộ, chiến lược đầu tư hạ tầng kết nối là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội trở về đầu tư cho quê hương”.
Nhà máy Pin VinES đi vào hoạt động là một trong những động lực tăng trưởng, tạo môi trường thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh
Mở rộng thu hút đầu tư, Hà Tĩnh từng bước tiến đến mục tiêu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước. Trong khúc hoan ca đón mừng xuân mới, Hà Tĩnh tiếp tục đón những làn sóng đầu tư, xây dựng giá trị mới để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên hành trình hội nhập và phát triển.