Hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh duy trì mức tăng trưởng ổn định. Ảnh Đình Nhất
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã đầu tư hệ thống máy móc, công nghê nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã để các sản phẩm chủ lực của tỉnh đứng vững tại các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đều có mức tăng trưởng ổn định và cao hơn cùng kỳ năm 2018 như: Thuỷ sản đạt 2,21 triệu USD, dăm gỗ 10,98 triệu USD, chè 1,58 triệu USD, hàng dệt và may mặc 2,31 triệu USD…
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu gạo đã có nhiều bước tiến quan trọng, mang đến tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh ta. Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) đã xuất khẩu thành công 3.000 tấn gạo thương phẩm sang thị trường Lào, Trung Quốc, Thái Lan... mang về giá trị xuất khẩu gần 1,4 triệu USD.
Hệ thống máy móc hiện đại bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu gạo của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh.
Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Tùng cho biết: “Hiện, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, đồng thời hoàn thiện các chứng chỉ như HACCP, ISO 9001-2015 để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công ty đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để xúc tiến đưa gạo sang thị trường Châu Âu, trước mắt là Nga và Phần Lan”.
Tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Cả 2 lò cao của công ty vận hành ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh với nhiều đột phá từ lĩnh vực xuất khẩu thép, phôi thép và nhiều sản phẩm phụ khác.
Hoạt động xuất khẩu từ Formosa tiếp tục là “đầu kéo”, động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh trong những tháng đầu năm.
Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Tĩnh, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu từ Formosa ước đạt 343,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng 84,82% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu mặt hàng thép (ước đạt 313,32 triệu USD), tăng 69,55% so với cùng kì năm 2018. Hoạt động xuất khẩu từ Formosa tiếp tục là “đầu kéo”, động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh trong thời gian qua.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh tiếp tục phát triển và đưa vào sản xuất sản phẩm sợi siro trên dây chuyền công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Với năng lực sản xuất trên 21 tấn sợi/ngày, Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh cũng là đơn vị xuất khẩu duy trì được thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh Nguyễn Khắc Nam cho biết: "Công ty đã đưa vào sản xuất sản phẩm sợi siro trên dây chuyền công nghệ hiện đại với sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao đảm bảo yêu cầu của các thị trường "khó tính"; đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua đạt gần 3 triệu USD, tăng hơn 20% so với cùng kì năm 2018”.
Việc khánh thành Nhà máy Sản xuất gỗ ván ép MDF – HDF Thanh Thành Đạt hứa hẹn sẽ góp phần vào sự tăng trưởng ổn định của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Ảnh Thanh Hoài
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Nhà máy Sản xuất gỗ ván ép MDF – HDF Thanh Thành Đạt đã chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, tự động hóa ở mức cao nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, hứa hẹn sẽ góp phần vào sự tăng trưởng ổn định của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Nhật Tân – chuyên viên Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh), cho biết: "Bên cạnh sự tăng trưởng của Formosa, các doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống vẫn giữ ổn định thị trường với hoạt động sản xuất ngày càng đa dạng. Đặc biệt, trong năm nay, xuất khẩu Hà Tĩnh sẽ có sự góp mặt của một số doanh nghiệp lớn như: Nhà máy gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt; Công ty TNHH Haivina Hàn Quốc… Đây là những nhân tố mới, được kỳ vọng sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh có những bước tiến vượt bậc hơn nữa”.