Chiều 29/11, tại Hà Tĩnh diễn ra hội nghị hợp tác bảo vệ rừng, PCCR giữa Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh với Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Khăm Muồn và Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Bolikhămxay (Lào). Đại diện các ban, ngành, đơn vị của các bên cùng dự. |
Toàn cảnh hội nghị.
Trên tuyến biên giới dài 164 km với nước bạn Lào, Hà Tĩnh có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh, đầu nguồn trên đại ngàn Trường Sơn.
Khu vực rừng giáp ranh này chủ yếu được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ngàn Phố và Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý, bảo vệ.
Phía nước bạn chủ yếu do Vườn Quốc gia Na Kai - Nam Theun và một số chủ rừng nhà nước quản lý.
Đại diện các sở, ngành, địa phương, chủ rừng phía Hà Tĩnh tham gia hội nghị.
Những cánh rừng giáp ranh ở khu vực biên giới Việt - Lào được đánh giá có tiềm năng đa dạng sinh học cao nhất vùng Đông Dương với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau nên nhiều khu vực rừng tự nhiên trọng điểm ở đây đang có nguy cơ xâm hại cao.
Đại biểu ngành nông lâm nghiệp, chủ rừng của tỉnh Khăm Muồn và tỉnh Bolikhămxay tham dự hội nghị.
Để bảo vệ những cánh rừng mang nhiều giá trị ở khu vực biên giới, thời gian qua, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh và các tỉnh Khăm Muồn, Bolikhămxay đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, động vật hoang dã và PCCR ở khu vực biên giới Việt - Lào.
Các lĩnh có sự trao đổi hợp tác tốt là: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ rừng, PCCR cho người dân khu vực biên giới; trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và phối hợp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn những hành vi săn bắn, khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép ở khu vực giáp ranh; tăng cường triển khai các biện pháp PCCR vào mùa khô...
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn báo cáo kết quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa ngành nông - lâm nghiệp 3 tỉnh thời gian qua.
Ngoài việc thường xuyên tổ chức tuần tra, kiếm soát đơn phương thì từ năm 2015 đến nay, ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng, công an, các chủ rừng... của hai nước đã thực hiện 3 cuộc tuần tra song phương để bảo vệ biên giới kết hợp bảo vệ rừng.
Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 347 vụ khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật trái phép trong khu vực biên giới và qua biên giới; trong đó, xử lý hình sự 8 vụ, xử lý hành chính 239 vụ, tịch thu trên 912 m3 gỗ các loại, thu trên 1.000 kg động vật hoang dã, phạt hành chính trên 1,3 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Bolikhămxay Phắt Thạ Chon Keo Phút Thạ Vong mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hà Tĩnh trong các lĩnh vực vực, trong đó có phát triển ngành nông, lâm nghiệp và bảo vệ rừng..
Nhờ phối hợp, hợp tác thường xuyên, trách nhiệm giữa các bên nên tài nguyên rừng đã được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt, an ninh môi trường rừng ổn định. Ý thức của người dân, chính quyền địa phương và các lực lượng khác về nhiệm vụ bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, quá trình hợp tác giữa 2 nước, giữa các lực lượng chức năng cũng giúp hạn chế tối đa các vụ cháy rừng, vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ, động vật hoang dã dọc tuyến biên giới...
Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Khăm Muồn Sụ Khăn In Thạ Nụ Hắc: Chúng tôi mong muốn Hà Tĩnh tạo điều kiện hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp (bằng cách phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây phù hợp, thực hiện thu hút các chương trình dự án lớn...) và cải thiện sinh kế cho người dân gần rừng để bảo vệ rừng bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những vấn đề còn khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cũng như quá trình hợp tác. Nhiều đại biểu nhấn mạnh: đời sống cư dân biên giới còn khó khăn, còn phụ thuộc nhiều vào rừng; tình trạng khai thác, mua bán gỗ và các loài động vật hoang dã trái phép qua biên giới có lúc còn phức tạp, ngày càng tinh vi, liều lĩnh; việc truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản hợp pháp tại cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, quá trình phối hợp gặp vướng mắc vì bất đồng ngôn ngữ, thiếu kinh phí, đi lại phức tạp; các chủ rừng của hai nước dường như chưa có sự hợp tác, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; có những thời điểm, những lĩnh vực ngành nông - lâm nghiệp các bên trao đổi, hợp tác còn chưa thường xuyên...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt trao đổi những vấn đề thời gian tới các bên cần tập trung hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Tại hội nghị, các bên cũng đã tiến hành ký bản ghi nhớ về phối hợp quản lý bảo vệ rừng, PCCR khu vực giáp ranh biên giới trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực này cho cư dân biên giới; tăng cường trao đổi thông tin về hợp tác quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cùng tích cực tham gia các vấn đề về giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon, quản lý rừng bền vững...
Các bên cũng đã thống nhất: thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng chức năng gắn với tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm rừng; triển khai đồng bộ các biện pháp PCCR, kịp thời thông báo cho nhau về các vụ cháy rừng ở khu vực giáp ranh để chủ động ứng phó, ngăn chặn kịp thời; hỗ trợ đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và phong tục tập quán cho cán bộ mỗi bên...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh...
...ký biên bản ghi nhớ về phối hợp bảo vệ rừng, PCCR với Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Bolikhămxay và Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Khăm Muồn.