Hàng chục nghìn người Israel biểu tình phản đối chính phủ

Hàng chục nghìn người Israel biểu tình tại nhiều thành phố để yêu cầu chính phủ giải cứu toàn bộ con tin ở Gaza và Thủ tướng Netanyahu phải từ chức.

Người dân xuống đường tham gia những cuộc biểu tình ở Tel Aviv, Jerusalem, Caesarea, Raanana và Herzliya tối 30/3, trở thành một trong những đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi chiến sự ở Dải Gaza bùng phát gần 6 tháng trước. Họ yêu cầu chính phủ giải cứu toàn bộ con tin đang bị giữ ở Dải Gaza.

Tại phố Kaplan ở Tel Aviv, đám đông kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức. Cảnh sát nỗ lực đẩy lùi người biểu tình ở Cổng Begin, một trong những cổng vào trụ sở quân sự Kirya trong thành phố.

"Không ai rời đi! Chúng tôi sẽ diễu hành đến Jerusalem và ở lại đó cho đến khi chính phủ giải tán", theo nội dung trên một biểu ngữ.

Trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Con tin ở Tel Aviv, những người sống sót sau khi bị Hamas bắt cóc kêu gọi chính phủ Israel lập tức đưa tất cả con tin còn lại trở về nhà.

Aviva Siegel và chồng là Keith Siegel đều bị bắt cóc đến Dải Gaza sau cuộc đột kích của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10/2023. Cô được trả tự do sau thỏa thuận trao đổi con tin hồi tháng 11 năm ngoái, song Keith vẫn bị giữ ở Gaza. Trong cuộc biểu tình, Aviva kêu gọi chính phủ "chịu trách nhiệm" và nỗ lực nhiều hơn để giải cứu chồng cô và các con tin khác.

"Xin hỏi Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đang chết dần ở đây nhưng các ông có hiểu điều đó không? Chúng tôi đang chết dần ở đây", Siegel nói.

Tại Jerusalem, khoảng 200 người xông qua hàng rào do cảnh sát thiết lập để biểu tình gần dinh thự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Einav Zangauker, mẹ của con tin Matan Zangauker, gọi cách xử lý vấn đề con tin của Thủ tướng Netanyahu là "tội lỗi và không thể hiểu nổi".

"Thủ tướng Netanyahu, sau khi ông bỏ rơi gia đình tôi ngày 7/10/2023 và sau 176 ngày không đạt được thỏa thuận nào để đưa con tin trở về, đồng thời liên tiếp phá hoại thỏa thuận, tôi nhận ra ông chính là người gây trở ngại cho thỏa thuận", bà nói. "Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ nỗ lực để khiến ông bị loại. Đó là cách nhanh nhất để đạt thỏa thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình và yêu cầu ông rời ghế".

Đám đông biểu tình ở Jerusalem, Israel tối 30/3 để yêu cầu chính phủ giải cứu con tin và Thủ tướng Netanyahu từ chức. Ảnh: Reuters
Đám đông biểu tình ở Jerusalem, Israel tối 30/3 để yêu cầu chính phủ giải cứu con tin và Thủ tướng Netanyahu từ chức. Ảnh: Reuters

Tại thành phố ven biển Caesarea, người biểu tình đi vòng quanh hàng rào cảnh sát để tuần hành về phía nhà riêng của ông Netanyahu, chặn đường và hô "Không tha thứ cho những thất bại và ruồng bỏ". Cảnh sát đã bắt một số người ở Caesarea.

Người biểu tình Hannah Zissel nói các cuộc biểu tình nhằm "tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu".

Ở các thành phố Sderot, Or Akiva, và Beersheba, người biểu tình gọi Thủ tướng Netanyahu là "trở ngại đối với thỏa thuận" thả con tin và yêu cầu ông từ chức.

Cảnh sát cho biết 16 người người biểu tình bị bắt ở Tel Aviv "vì gây gián đoạn giao thông và tắc nghẽn đường phố". "Lượng lớn người biểu tình gây rối loạn trật tự công cộng bằng cách đốt lửa, xô đổ hàng rào cảnh sát, cản trở giao thông và xô xát với cơ quan hành pháp", cảnh sát cho hay.

Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình trên đường cao tốc Ayalon ở Tel Aviv và bắt ít nhất một người. Một số người biểu tình đứng trước vòi rồng và hô "Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi mọi việc tốt hơn".

Thủ tướng Israel nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến là giải cứu toàn bộ con tin và loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Hôm 27/3, ông Netanyahu nói nước này cần thêm "vài tuần" để đạt được chiến thắng ở Dải Gaza. Ông tái khẳng định quyết tâm tiến đánh thành phố Rafah, được xem là thành trì cuối cùng của Hamas tại Dải Gaza.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng giải tán đám đông biểu tình ở Tel Aviv, Israel ngày 30/3. Video: X/Orenziv
vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.