Bộ phim “Về nhà đi con!” được phát hàng đêm trên VTV1 gần đây đã thực sự chạm đến trái tim của không ít khán giả. Nhiều cảnh trong phim không khó gặp ngoài đời thật với nhân vật người bố (NSƯT Trung Anh) trong một gia đình thiếu vắng mẹ đã giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về tình yêu thương, điểm tựa của người cha trong gia đình. Cha là điểm tựa, là bờ vai vững chãi, để các con tựa vào đấy mà lớn lên, trưởng thành, vượt qua nhiều chênh chao sóng gió của cuộc đời để đến với hạnh phúc và tình yêu.
Bộ phim truyền hình "Về nhà đi con" chính là khắc họa được một cách gần gũi nhưng giàu nhân văn hình tượng người cha. Ảnh Internet
Mẹ cha sinh thành, ấp iu, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, rồi lại trải lòng theo bước chân ta khi đã trưởng thành, lập nghiệp, xây dựng gia đình. Tình yêu thương ấy theo ta trọn đời cho đến khi mẹ cha nhắm mắt xuôi tay. Nếu như mẹ là suối nguồn vô tận, trong mát và dịu dàng thì cha là núi Thái Sơn vững chãi, can trường che chở, dìu dắt, giúp chúng vững bước trên đường đời.
Ngày còn thơ bé, tôi chưa cảm nhận hết nỗi đau mất cha. Có lẽ một phần vì mẹ đã bù đắp cho chúng tôi tất cả. Mẹ thay cha làm hết mọi việc trong gia đình, không để cho chúng tôi phải thiếu thứ gì, trừ mái nhà vững chãi và đàng hoàng như những gia đình khác. Thế rồi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu thấy thiếu vắng và thiệt thòi khi mỗi mùa mưa bão đến, mẹ con tôi co cụm lại một góc, phấp phỏng nhìn lên mái tranh bị gió giật liên hồi với nỗi lo tốc mái, nhà sập. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhìn sang nhà hàng xóm ấm êm trong mái nhà gỗ lợp ngói hoặc lợp tranh nhưng được giằng néo rất cẩn thận với một suy nghĩ mặc định: Nhà họ có cha!
Bao nhiêu nỗi buồn tủi, hẫng hụt, trống vắng vì thiếu người đàn ông trụ cột trong gia đình với mẹ con chúng tôi không thể đong đếm được, từ khi chập chững vào đời cho đến khi chúng tôi trưởng thành, khôn lớn, có gia đình riêng. Hình ảnh người cha vẫn khắc khoải trong giấc mơ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực: Đơn giản là một món quà nhỏ, một cái xoa đầu, lời động viên khích lệ, lớn lao hơn là một mái nhà, một bàn tay đưa cô dâu đến với chú rể trong ngày cưới…
Hình ảnh người cha vẫn khắc khoải trong giấc mơ . Ảnh minh họa Internet
Tôi cảm nhận rõ hạnh phúc của những gia đình có đủ mẹ cha, đặc biệt là có người cha mẫu mực, chu toàn, giỏi giang. Câu thành ngữ: “Con có cha như nhà có nóc” hiểu theo nghĩa cha là người cao nhất, người đứng đầu, quyết định mọi việc là như thế.
Hạnh phúc có cha, có một điểm tựa vật chất và tinh thần, đó là hạnh phúc lớn đối với tất cả mọi người con. Vậy nên những ai đang có cha, hãy tận hưởng hạnh phúc ấy và làm một người con hiếu thảo, lắng nghe những lời bày vẽ, những ước nguyện sâu thẳm mà mãnh liệt của đấng sinh thành: Mong con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, mong con nên người, không thành đạt, không chạm đỉnh vinh quang thì cũng sống một cuộc đời lương thiện, trở thành người có ích, một công dân tốt trong xã hội.
Mang trọng trách và hạnh phúc làm chồng, làm cha, bất cứ người đàn ông nào cũng phải sẵn sàng nhận về mình những vất vả, khó nhọc khi vun đắp nghề nghiệp vững vàng, xây dựng nhà cửa đàng hoàng, mua sắm tiện nghi để vợ con có nơi ăn chốn ở, học hành, sinh hoạt. Rồi lo việc họ hàng, cơ quan, làng xóm, lo báo đáp công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha…
Có nhiều người được sự hỗ trợ rất lớn từ mẹ cha, từ người vợ nhưng cũng không ít người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhọc nhằn vươn lên để lo cho con cái ăn học nên người. Họ chi tiêu bản thân một cách dè sẻn để dành cho các con những gì tốt đẹp nhất.
“Con có cha như nhà có nóc”. Ảnh minh họa Internet
Có những người cha nông dân bốn mùa lam lũ, cực nhọc cày bừa trên đồng ruộng, bữa ăn chỉ là khoai lang, nước vối, giấc ngủ ban trưa là lùm cây ven đồng. Rồi vào rừng đốn gỗ, chặt cây, chở về làm nhà cửa. Áo nâu quanh năm bạc màu đất ruộng. Niềm vui của họ là con thơ có quần áo đẹp, sách bút đến trường, rồi lớn lên, trưởng thành.
Khi con cái có gia đình riêng, nỗi lo của người cha lại dày thêm khi dựng vợ gả chồng cho con, cho con chút vốn liếng để “ra riêng”. Rồi ông bà lại lo trông giữ cháu cho các con đi làm, thao thức, trăn trở với mỗi bước lập thân lập nghiệp của con. Hành trình ấy không bao giờ ngơi nghỉ, không bao giờ kết thúc.
Làm cha, hạnh phúc càng lớn thì nỗi lo càng nhiều. Cũng có những ông bố chưa cảm nhận hết vinh dự, trọng trách làm cha nên tự làm xấu đi hình ảnh mình trong mắt con cái như uống rượu say, lười lao động, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con, thậm chí là sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Những “nóc nhà” ấy đã “bị dột” nên con cái bị tổn thương, mất niềm tin, phát triển không toàn diện.
Ngày gia đình Việt Nam, viết ít dòng về người cha, thay cho bao nhiêu bài thơ, bài báo, trang sách viết về mẹ. Mong sao những người làm cha xứng đáng hơn với trọng trách và niềm yêu kính, ngưỡng mộ của con cái dành cho mình, mong sao những người con hiếu thảo cảm nhận rõ hơn tiếng lòng của những người cha để sống tốt hơn như tâm nguyện của đấng sinh thành.