Nhờ tìm tòi và học hỏi mọi người, chị Nguyễn Thắm (Hà Nội) đã có thực đơn ăn dặm dày dặn, đủ chất cho con yêu của mình. Trao đổi với PV Em đẹp, chị Thắm cho hay, bản thân thực ra không có bí quyết gì nhiều.
"Trước khi con đến tuổi ăn dặm mình đã tham khảo tài liệu sách vở, diễn đàn và học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ thông thái. Chẳng ai có thể giỏi khi có một mình. Mình kết bạn và học hỏi từ các mẹ ở khắp mọi nơi", chị Thắm nói.
Cũng như các bà mẹ khác, trong quá trình ăn dặm, chị Nguyễn Thắm cũng đối diện với không ít khó khăn.
Mẹ con chị Thắm đi chơi. Ảnh: NVCC
"Hành trình ăn dặm cùng con cũng như bao mẹ, chẳng hề suôn sẻ chút nào, đó là những lúc con biếng ăn, khóc ốm, phun, nhè, ném đồ… Thế nhưng, bí quyết để duy trì những bữa ăn ngon cho con ấy chính là TÌNH YÊU và ĐAM MÊ", chị Thắm tâm sự.
Bé Pi - con trai chị Thắm có những lúc ốm và biếng ăn dài, có khi kéo dài tới cả vài tháng liền. Nhiều mẹ nói rằng, con không ăn thì cho nghỉ nhưng chị Thắm không nghĩ vậy.
Nói về điều này, chị Thắm bộc bạch: "Mình không ngừng nỗ lực và hy vọng. Hôm nay, ngày mai hay ngày kia, mỗi ngày, mỗi bữa mình đều nấu với sự tâm huyết và hy vọng. “Con sẽ thích món ăn này”. “Nó sẽ giúp con lấy lại khẩu vị”. “Sự thay đổi ở món ăn hôm nay sẽ giúp con ăn ngon hơn, hứng thú hơn”.
Những bữa ăn đầy tâm huyết và tình yêu chị Thắm dành cho con. Ảnh: NVCC
Cùng với tâm huyết trong mỗi bữa ăn nấu cho con, người mẹ cũng cần quan sát xem con thích ăn món gì. Ngoài cho con ăn, các mẹ hãy quan sát con để bắt kịp nhu cầu và sở thích của con. "Ví dụ, con đang trong thời kỳ ốm mệt mình cố gắng thay đổi thực đơn. Bún, nui, cơm, cháo… thay đổi theo từng bữa. Thậm chí thay đổi cả cách chế biến. Món cơm không đơn giản là cơm trắng ăn với thức ăn. Mẹ có thể chế biến khác một chút, màu mè một chút. Thay vì cơm trắng thì làm cơm trộn, cơm chiên, cơm nắm, cơm bọc gà… Tụi trẻ khó hiểu lắm. Hôm nay ăn trong bát. Ngày mai có thể thích ăn trong nồi. Tối ăn ở đĩa nhưng mai lại thích ăn ở chảo… Mình cứ thử thay đổi những thứ đó để con tìm thấy niềm vui trong từng bữa ăn", chị Thắm chia sẻ.
Việc con không hợp tác, lười ăn, mè nheo là điều dễ hiểu. "Thú thực là có những lúc mẹ muốn “bùng cháy”, cháy dữ dội luôn đó. Trước tiên mình phải xử lý tâm lý của chính mình trước. Nếu mẹ thấy mất kiểm soát lúc đó thì cất đồ ăn đi, để con ngồi trong ghế và tránh mặt con vài phút để lấy lại bình tĩnh. Hít thở thật sâu, thật sâu và quay lại mỉm cười với con", chị Thắm kể.
Sau khi đã thư giãn, mẹ lại tiếp tục giới thiệu lại bữa ăn và bắt đầu lại bữa ăn xem phản ứng của bé ra sao. Sau 3 lần, nếu con chối từ thì mẹ dọn bữa đi luôn. Trước khi dọn bữa, các mẹ sẽ hỏi “Con có muốn tiếp tục ăn nữa không? “Mẹ cất đồ ăn đi là con bị đói và con sẽ không được ăn lại đâu nhé”. Bản thân người mẹ sẽ nhấn mạnh vào hai nội dung này để bé hiểu vấn đề.
Chị Thắm chia sẻ bí quyết: "Sau những bữa ăn đó, mình sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé không hợp tác với bữa ăn đó? Nếu bé biết nói thì hỏi con tại sao con không muốn ăn? Trước đó con có ăn gì không? Con có khó chịu trong người không?... Đôi khi có thể do đồ ăn không hợp. Sau đó, mẹ giải quyết bằng cách thay đổi thực đơn hoặc cách chế biến ở bữa khác. Đôi khi có thể do bé ăn gì đó sát bữa ăn chính, mẹ phải điều chỉnh lại thời gian ăn bữa phụ".
Cách bố trí các bữa ăn cho con
Sở dĩ dung tích dạ dày của các bé rất nhỏ, không thể tiêu thụ một lượng lớn đồ ăn một lúc nên các bữa ăn trong ngày của bé nên chia thành các bữa chính và các bữa phụ.
Chị Thắm nói: "Theo hiểu biết của mình thì một bữa ăn đặc sẽ lâu tiêu hóa hơn và 3 bữa chính trong ngày của bạn Pi sẽ cách nhau ít nhất từ 2,5 đến 3 tiếng".
+ Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên sau khi bé ngủ dậy. Các mẹ nên cho bé ăn sau khi thức khoảng 30 – 45 phút. Các thực phẩm như bánh mỳ, ngũ cốc, nui, mỳ hoặc cơm sẽ là tâm điểm bữa ăn. Bữa này nên bổ sung hoa quả đi kèm. Nếu bé biếng ăn hoặc đã ngán các món quen thuộc, mẹ có thể thay đổi thành các món súp hoặc sinh tố rau củ quả.
+ Bữa phụ như sữa hoặc hoa quả ăn thêm cách đó chừng 1,5h.
+ Và bữa ăn cuối cùng trong ngày của bạn Pi sẽ được ăn trước khi đi ngủ ít nhất 1,5h đến 2h, tránh cho con ăn muộn để bảo vệ hệ tiêu hóa của con.
"Với những bạn nhỏ dưới 1 tuổi thì khả năng tiêu hóa thức ăn càng chậm. Còn các bé hơn 1 tuổi hoặc gần 2 tuổi như bạn Pi, vận động nhiều sẽ nhanh đói hơn nên dinh dưỡng từ bữa phụ cũng quan trọng không kém bữa chính.
Khi chế biến đồ ăn cho con, mình cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng chính trong các bữa ăn. Cụ thể là bữa nào mình cũng cố gắng cung cấp đủ tất cả các nhóm dinh dưỡng chính như nhóm chất tinh bột (gạo, bún, mì, nui…), nhóm chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, tào phớ, đậu hũ, các loại đậu…); nhóm chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ…) và nhóm rau và trái cây", chị Thắm chia sẻ.