Thiên tài vật lý lỗi lạc Stephen Hawking
Thế giới vừa mới mất đi thiên tài, nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawking. Đằng sau bộ óc vĩ đại đó, là một hành trình của tình yêu và nghị lực giúp nhà khoa học bị chẩn đoán chỉ còn có thể sống thêm 2 năm nữa khi mới 21 tuổi làm nên những phát hiện vũ trụ gây tiếng vang.
2 tuần trước khi qua đời, Stephen Hawking tiên đoán về “tận cùng của vũ trụ”
Lý thuyết này rất có thể giúp Stephen Hawking giành giải Nobel, đồng tác giả cho biết. Lý thuyết này lý giải cách chúng ta có thể phát hiện ra các vũ trụ song song và lời tiên đoán về tận cùng của vũ trụ do Stephen Hawking hoàn thành trước khi ông từ trần.
Nhà vật lý lý thuyết đã làm việc không ngừng nghỉ cho tới tận hơi thở cuối cùng cho công trình để đời: “A Smooth Exit from External Inflation”. Trong đó, Hawking tiên đoán về việc vũ trụ sẽ đến hồi kết khi các ngôi sao cạn kiệt năng lượng. Nhưng Hawking cũng đề ra giả thuyết là các nhà khoa học có thể tìm ra các vũ trụ thay thế bằng cách sử dụng vệ tinh do thám trên các tàu vũ trụ, mở ra hiểu biết của loài người về chính vũ trụ của chúng ta, còn có gì ngoài kia và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.
Công trình cuối cùng của nhà vật lý được xuất bản cùng đồng tác giả GS. Thomas Hertog, Đại học KU Leuven ở Bỉ. “Stephen Hawking thường được đề cử giải Nobel và đáng ra ông đã có thể giành giải. Giờ thì ông không bao giờ có thể nữa.” GS. Hertog chia sẻ với tờ Sunday Times rằng đúng ra thì Hawking có thể giành giải Nobel với công trình cuối cùng này.
Di sản của Stephen Hawking
TS. Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 ở Oxford, Anh. Chính vào ngày này cách đó 300 năm, nhà vật lý lỗi lạc Galileo qua đời. Hawking quyết định theo học ngành vật lý tại Trường Đại học College. Và kể từ đó ông đã làm nên lịch sử. TS. Hawking đã khám phá ra các định luật vận hành nên vũ trụ, nghiên cứu các hố đen và tính tương đối và thậm chí cả giả thuyết phóng xạ phát ra từ các hố đen được đặt theo tên ông. Ông là tác giả của một vài ấn phẩm, bao gồm A Brief History of Time (Lược sử Thời gian) đã được trao tặng 13 giải thưởng và bản thân ông nhận được vô số giải thưởng khác. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông “A Brief History of Time” xuất bản năm 1988, bán được hơn 10 triệu bản.
Thuyết hố đen vũ trụ và vụ nổ Big Bang mở ra một chương mới cho lịch sử vũ trụ của nhân loại
Ở tuổi 21, TS. Hawking mắc bệnh teo cơ ALS (hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig). Căn bệnh teo neuron cơ hiếm gặp từ năm 1964 khiến ông phải ngồi xe lăn và rất khó cử động cơ. Căn bệnh này khiến ông phải phụ thuộc vào người khác hoặc công nghệ trong toàn bộ cuộc sống thường nhật từ ăn uống tắm rửa và nói. Để giao tiếp với người khác, ông phải sử dụng máy phát tiếng nói nhân tạo kết nối với máy tính.
Người ta nhớ tới TS. Hawking không chỉ bởi thành tựu của ông, mà còn bởi ông đã gợi cảm hứng cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người rơi vào hoàn cảnh như ông. Bởi chưa ai có thể tìm ra hố đen, nếu không rất có thể ông đã giành giải thưởng Nobel.
Tình yêu- cứu cánh của thiên tài vật lý lỗi lạc
Cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên Jane đã tạo động lực cho nhà khoa học trẻ động lực tiếp tục sống và trở thành một thiên tài siêu việt. Dù chịu “lời nguyền” về mặt thể chất, ông lại được phú cho một trí tuệ siêu việt. Là một trong những người kế vị của Isacc Newton, trên chiếc xe lăn, ông đã tỏa sáng khắp vũ trụ với trí óc của mình.
Cuộc đời và tình yêu của Stephen Hawking ẩn chứa vẻ đẹp và sự dịu dàng đầy cảm động. Khi đó, vào năm 1963, các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ còn có thể sống thêm 2 năm nữa. Nếu có thể tìm thấy ý chí để sống sót vượt qua “lời nguyền” của các bác sĩ, đó hẳn là tình yêu trong sáng đã đến với ông. Vào năm 1963, sau khi nghe lời chẩn đoán của các bác sĩ, ông thường nhốt mình trong phòng, nghe nhạcWagner, đọc chuyện khoa học viễn tưởng, uống rượu và hầu như không màng tới việc nghiên cứu. Năm 1964, ông rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thường lái xe điên cuồng trên đường phố mà không màng tới tính mạng của mình. Rồi định mệnh đã cho ông đến với Jane Wilde, người đã biết ông kể từ một bữa tiệc ở thị trấn quê hương họ tại St. Albans vào năm 1962.
Đám cưới của Jane và Stephen Hawking vào năm 1965
“Tôi đã mê say cặp mắt xanh xám và nụ cười có lúm đồng tiền của anh ấy”, Jane Wilde viết trong tự truyện “Du hành tới miền vô cực” (Travelling to Infinity). Đám cưới của họ diễn ra tại Nhà thờ Trinity Hall vào tháng 7/1965. Chàng trai 23 tuổi, còn cô dâu mới 21. Bố chồng đã khuyên Jane nên có con sớm bởi sợ rằng Stephen sẽ chẳng sống lâu được nữa. Cô đã trả lời với ông rằng: “Con yêu Stephen tới mức chẳng gì có thể ngăn con cưới anh ấy”. Hawking thừa nhận rằng đám cưới với Jane đã cho ông lý do để tiếp tục sống. Ông bắt đầu theo học tiến sỹ trở lại. Robert và Lucy lần lượt ra đời vào năm 1967 và 1970. Timothy ra đời vào năm 1979, 14 năm sau đám cưới của họ.
Nhà vật lý trên xe lăn được cả thế giới yêu mến
Hawking qua đời lúc rạng sáng thứ tư (14/3/2018) ở Cambridge (Anh), hưởng thọ 76 tuổi. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tôn vinh những di sản của Stephen Hawking: “Thế giới đã mất đi một người khổng lồ .... Những đột phá của ông trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học không chỉ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vũ trụ, và còn đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của NASA để khám phá vượt xa hệ mặt trời....”.
Stephen Hawking thuyết trình nhân kỷ nhiệm 50 năm thành lập NASA vào ngày 21.4.2008
Sự ra đi của ông khiến cả thế giới nghiêng mình tiếc thương. Các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế đã bày tỏ niềm tiếc thương và kính trọng tới nhà vật lý vĩ đại. Nhiều người ở Trung Quốc đã lớn lên cùng với cuốn sách “A Brief History of Time”, ấn phẩm tiếng Trung bán chạy chỉ sau ấn phẩm tiếng Anh. Khi ông truy cập Weibo vào năm 2016 và gửi lời chào tới “những người bạn tôi ở Trung Quốc”, ông ngay lập tức thu hút hàng triệu người theo dõi trong hàng giờ đồng hồ. Và giờ đây, các nhà khoa học, sinh viên, và các ngôi sao nổi tiếng đều bày tỏ tình yêu đối với Stephen Hawking. “Ông sẽ băng qua vũ trụ và các dải ngân hà, và sẽ trở thành ngôi sao sáng chói nhất”, một blogger chia sẻ trên trang Weibo.