Lê Khắc Quyền, 28 tuổi, sống tại Hà Nội, bắt đầu cầm máy khoảng hơn 5 năm trước và tìm thấy niềm đam mê bất tận với nhiếp ảnh động vật hoang đã, đặc biệt là các loài chim. Công việc chính của Quyền là nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, anh hiện là thư ký của Hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam (VBCS). Đến nay, anh chụp được khoảng 500 loài chim trong nước.
Ngay tháng 1 vừa rồi, Quyền và những người bạn yêu nhiếp ảnh đã có chuyến du xuân và khám phá Mù Cang Chải, Yên Bái để săn ảnh các loài chim.
Cảnh vùng rừng núi chụp ngày 28/1 thuộc khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình, cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 10 km. Khu bảo tồn này có tổng diện tích khoảng 20.300 ha, là một vòng cung được tạo thành bởi hệ thống núi cao 1.500 - 2.300m. Do có độ cao tương đối lớn nên du khách có thể cảm nhận giá lạnh ngay cả trong những ngày nắng ấm. Ảnh: Thomas Mourez
Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn, vùng rừng núi Mù Cang Chải được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất và có tính đa dạng sinh học cao. Nơi này còn nhiều loài cây lá rộng, lá kim và hệ động thực vật phong phú, đặc hữu như thiết sam, đỗ quyên, sồi lào, vượn đen tuyền hay voọc xám. Trên ảnh là đỗ quyên cổ thụ bám đầy rêu và phong lan rừng bên sườn núi. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Mù Cang Chải có khu hệ chim đa dạng và đặc thù của vùng Tây Bắc với gần 140 loài, nhiều loài chim quý hiếm và đặc hữu. Một số loài chim chỉ có thể tìm chụp ở đây mà khó thấy được ở bất kỳ nơi nào khác. Du khách có thể tìm thấy một số loài như sẻ bụi đầu đen, bông lau ngực nâu, sẻ thông đầu đen, bò chiêu, hoạ mi đất họng trắng trong các khu vườn táo mèo, nương rẫy ở khoảng độ cao 1.200 m.
Tiếp tục khám phá lên độ cao khoảng 1.600 - 1.800m, du khách sẽ bắt gặp các loài chim như chào mào mỏ lớn (ảnh), cành cạch núi, mai hoa, chiền chiện lớn hay đớp ruồi đầu hung. Chào mào mỏ lớn có thân màu vàng xanh, đầu xám với chiếc mào cao và cong về phía trước. Mỏ lớn và có màu trắng ngà, sống thành đàn đông. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Hoạ mi đất ngực hung được chụp tại độ cao khoảng 1.700 m, loài chim nhút nhát này thường kiếm ăn đơn lẻ hoặc theo cặp. Chúng có màu nâu với chiếc mỏ đỏ. Phần mặt có màu đen với vệt mày và họng trắng.
Anh Quyền cho biết: “Tôi ở đây trong 3 ngày. Sớm bình minh có chút sương và nắng chiếu qua khe lá, tôi rảo bước trên con đường dẫn lên đèo gió, đi chầm chậm và lắng nghe tiếng chim”. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Trên ảnh là bạc má đuôi dài, loài chim kích thước nhỏ, trán hung đỏ với họng và má có vệt đen, khoang cổ trắng và vành cam ở ngực kéo dài tới dưới cánh.
“Đây có lẽ là chú chim xinh nhất của rừng già, không ai tới chụp chim ở Mù Cang Chải mà không chú ý tới loài chim nhỏ bé với khuôn mặt đáng yêu này. Chúng thường đi thành đàn đông và gọi nhau tíu tít, có thể thấy tại độ cao 1.800 m”, anh chia sẻ. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Độ cao từ khoảng 1.800m trở lên cũng là nơi chứa đựng kho báu quý giá nhất của sự sống, trong đó có loài chích đớp ruồi đầu hung. Đây là loài chim nhỏ khoảng 10 cm, với màu sáng và sặc sỡ, luôn hoạt động nhảy nhót rất nhanh. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Hút mật Nepal là loài chim hút mật có màu sặc sỡ với phần đầu và đuôi màu xanh lục nhạt, phần lưng trên màu đỏ đậm và phần dưới màu vàng tươi. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Trèo cây đít hung chỉ phân bố ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Chúng có màu xám ở trên lưng và màu trắng ở dưới bụng, với một vệt đen mảnh kéo dài từ gốc mỏ đến vai. Có thể nhận biết loài chim này qua phần màu hung đậm ở hai bên sườn và dưới đuôi với các vệt hình vảy. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Khu vực 1.800 - 2.300 m là nơi tìm thấy một số loài chim hiếm như khướu đất đuôi cụt nhỏ, khướu đuôi vằn Vân Nam, khướu mỏ dẹt cằm đen, khướu mặt đỏ, khướu đuôi cụt (loài đặc hữu Việt Nam) hoặc khướu đất họng xám phân bố rất hẹp và hiếm gặp.
Sống đơn độc, lặng lẽ dưới tầng cây bụi độ cao chừng 2.000 m là loài khướu đất đuôi cụt nhỏ (ảnh) với kích thước tí hon như hột mít, lưng màu nâu với mặt bụng nhạt hơn giúp chúng dễ dàng nguỵ trang, lẩn khuất. Quyền ghi nhận chúng vào ngày đầu tiên nhưng tới ngày cuối trước khi về mới may mắn chụp được một loạt hình ưng ý của loài này. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Khướu mỏ dẹt cằm đen là loài kích thước thuộc dạng lớn trong nhóm khướu mỏ dẹt với mỏ vàng, đám lông đen lớn ở má, đỉnh đầu hung và ngực có vạch đen. Vào mùa sinh sản, chúng thường đi theo cặp. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Khướu đuôi vằn Vân Nam là loài chim có kích thước trung bình, dễ dàng nhận ra bởi thân màu nâu sáng với nhiều sọc đen ở phần cánh và lông đuôi. Chúng thường đi thành các nhóm nhỏ hay đôi lúc gặp đi thành cặp kiếm ăn cùng nhau.
“Khướu đuôi vằn Vân Nam không khiến tôi ấn tượng với vẻ bề ngoài nhưng hành vi tán tỉnh bạn tình và đứng cặp kè bên nhau, đầy yêu thương gợi chút gì đó rất tình”, anh nói. Ảnh: Lê Khắc Quyền
Anh Quyền gợi ý du khách có thể đi xe máy hoặc ôtô. Nhóm của anh đi ôtô để tiện mang các đồ dùng, máy ảnh cũng như có được cảm giác an toàn hơn trên con đường nhiều dốc quanh hay gặp thời tiết chuyển xấu.
Một điểm thuận lợi trên Mù Cang Chải là có khá nhiều homestay. Nếu không quen cắm trại ngủ qua đêm trên núi cao, du khách có thể dễ dàng tìm và lựa chọn homestay phù hợp với nhu cầu và không gian ưa thích với giá cả phải chăng. “Với những người mới bắt đầu săn ảnh chim, nghỉ tại thị trấn Mù Cang Chải sẽ phù hợp hơn vì cái lạnh của màn đêm trên núi là thử thách không đơn giản. Bạn nên mặc đủ ấm và chuẩn bị một bình nước giữ nhiệt. Rất tuyệt khi thưởng thức một ly cà phê nóng và đồ ăn nhẹ cho bữa trưa trên núi cao”, anh Quyền nói.
Ống nhòm và máy ảnh, ống kính tele chuyên dụng là những thiết bị không thể thiếu cho việc tìm kiếm và chụp lại những tấm đẹp về các loài chim. Du khách trải nghiệm xem chim trên Mù Cang Chải có thể đi tự túc, tốt nhất là 3-5 người để hỗ trợ nhau trên hành trình. Nếu muốn trải nghiệm kỹ hơn, chụp được nhiều loài chim quý và khó gặp thì nên liên hệ các nhân viên tại khu bảo tồn hoặc thuê các hướng dẫn viên xem chim có nhiều kinh nghiệm.