Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì đợt khảo sát, giám sát việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Tĩnh
Qua kiểm tra, khảo sát, làm việc cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Phòng Công chứng số 1 (thành phố Hà Tĩnh) đã thực hiện công chứng 3.471 hợp đồng, giao dịch, bản dịch; chứng thực 4.623 bản sao các loại; chứng thực 281 chữ ký.
Tất cả hồ sơ được giải quyết trước và trong hạn, không có sai sót về chuyên môn. Qua hoạt động đã thu phí được hơn 1,4 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 591 triệu đồng.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại Phòng Công chứng số 1 (thành phố Hà Tĩnh)
Kể từ ngày 1/1/2018 đến 31/8/2019, Phòng Công chứng số 2 (trụ sở đóng tại thị xã Hồng Lĩnh) đã thực hiện công chứng 2.919 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 4.193 bản sao, chứng thực 82 chữ ký; tổng số phí công chứng, chứng thực trên 1,1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 451 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra tình hình hoạt động tại Phòng Công chứng số 2 (thị xã Hồng Lĩnh)
Văn phòng công chứng Hương Sơn đến nay đã thụ lý, giải quyết 1.480 việc công chứng; giải quyết 11.525 trường hợp yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, 578 rường hợp chứng thực chữ ký; tổng phí chứng thực thu được trên 44 triệu đồng.
Trao đổi một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tại Văn phòng Công chứng Hương Sơn.
Qua khảo sát, giám sát cho thấy, hiện nay, các phòng công chứng trên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: KT-XH trên địa bàn chưa thực sự sôi động nên hoạt động công chứng đạt kết quả chưa cao; một số khách hàng chưa hiểu rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục;
Phí công chứng cao hơn so với phí chứng thực hợp đồng giao dịch do UBND tỉnh quy định; một số UBND cấp xã khi chứng thực các văn bản hiểu biết chưa sâu về chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch, thời hạn giấy tờ tùy thân, dẫn đến việc chứng thực sai; các quy định hiện chưa đồng bộ...
Ông Nguyễn Trọng Nhiệu - thành viên Ban Pháp chế đề nghị làm rõ tình hình tự chủ tài chính và lộ trình để thực hiện tự chủ hoàn toàn; việc quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở hành nghề công chứng để các cơ sở cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tình trạng tranh giành khách hàng...
Tại các buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, yêu cầu làm rõ một số vấn đề có liên quan như: Tình hình tự chủ của các phòng công chứng công lập; việc bố trí ngân sách hoạt động cho các cơ sở công lập; việc sử dụng nguồn phí thu được từ hoạt động công chứng, chứng thực của các đơn vị;
Đời sống của người lao động giữa công lập và tư nhân; việc quy hoạch và phát triển nghề công chứng; tình trạng thiếu công chứng viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc; công tác kiểm tra, sát hạch, thực tập công chứng viên...
Hà Tĩnh hiện có 17 công chứng viên hành nghề tại 2 phòng công chứng và 6 văn phòng công chứng. Từ năm 2018 đến giữa năm nay, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện 39.610 việc công chứng, thu phí hơn 14,5 tỷ đồng; 52.471 việc chứng thực, thu phí hơn 524 triệu đồng. Về cơ bản, các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật, khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính an toàn, pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch và góp phần tạo lập môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại... |