Bức tranh có phát sáng này được bậc thầy Hà Lan Johannes Vermeer (1632-1675) vẽ vào khoảng năm 1665 và được thẩm định gần đây nhất hồi năm 1994 trong một quá trình bảo tồn tại bảo tàng Mauritshuis.
Chân dung danh họa Hà Lan Vermeer
"Dù không cần bảo tồn thêm nữa, song công nghệ phân tích không xâm nhập đã phát triển hơn rất nhiều trong 25 năm qua” – theo tuyên bố của bảo tàng Mauritshuis.
Từ lâu các nhà nghiên cứu đã bị “mê hoặc” với bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, mô tả một cô gái trẻ với ánh nhìn đầy nghiêng đầy huyền bí, đầu quấn chiếc khăn màu xanh và vàng, tai đeo một viên ngọc trai lớn.
“Có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về việc Vermeer vẽ tác phẩm nghệ thuật này như thế nào và ông sử dụng những chất liệu gì” - theo bảo tàng Mauritshuis.
Bởi vậy, các công nghệ tân tiến nhất, như tia X huỳnh quang, quang tuyến kết hợp quang học và kính hiển vi kỹ thuật số sẽ được sử dụng trong dự án thẩm định dài 2 tuần, được bắt đầu vào ngày 26/2.
Bức tranh của Vermeer sẽ được thẩm định tỉ mỉ nhằm nghiên cứu toan vẽ, sắc tố và màu mà danh họa đã sử dụng, tất cả được tiến hành từ bên trong một cấu trúc bằng kính để qua đó khách tham quan có để quan sát một nhóm các chuyên gia quốc tế làm việc.
Kiệt tác "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai", được biết đến như là "Mona Lisa của phương Bắc"
“Trong hai tuần, bảo tàng sẽ là một trong những trung tâm nghiên cứu tiên tiến nhất thế giới. Sau đó, bức tranh sẽ là một trong những tác phẩm nghệ thuật được dẫn chứng bằng tài liệu cặn kẽ nhất thế giới” - Abbie Vandivere, nhà nghiên cứu hàng đầu của bảo tàng Mauritshuis khẳng định.
Lấy cảm hứng từ bức tranh, nhà văn Anh gốc Mỹ Tracy Chevalier đã viết một tiểu thuyết lịch sử với tựa đề Girl with a Pearl Earring (1999), trong đó tác giả tiểu thuyết hóa cô gái, nhân vật của bức tranh, cũng như bối cảnh ra đời của bức tranh.
Trong tiểu thuyết, Johannes Vermeer có quan hệ tình cảm với một cô gái người hầu tên là Griet, người được ông thuê để làm mẫu với chiếc khuyên tai của vợ Vermeer.
Năm 2003, một bộ phim cùng tên đã được thực hiện dựa theo tiểu thuyết của Chevalier với vai cô gái do nữ diễn viên Scarlett Johansson đảm nhận và chân dung Vermeer được lột tả qua diễn xuất của tài tử Anh Colin Firth.
Năm 2008, một vở kịch cũng lấy tên Girl with a Pearl Earring đã được công diễn tại Anh.
Song có nhiều người tin rằng đây không phải là chân dung của một cô gái thực sự, mà là đại diện của một nhân vật.
Vermeer là một họa sĩ người Hà Lan thời Baroque, nổi tiếng với các tác phẩm về đời sống hiện thực. Ông sống phần lớn cuộc đời tại thị trấn Delft.
Scarlett Johansson và Colin Firth trong phim "Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai"
Tuy nhiên, cuộc đời của Vemeer dường như chưa bao giờ ổn định, chủ yếu là do ông chỉ sáng tác ít tác phẩm. Khi qua đời, Vemeer để lại cho vợ và mười một người con một món nợ.
Ông vẽ rất chậm và vô cùng tỉ mỉ, ông cũng hay sử dụng những màu xa xỉ thời đó. Ông nổi tiếng với cách xử lý và sử dụng điêu luyện ánh sáng trong các tác phẩm của mình.
Vermeer vẽ chủ yếu là những cảnh gia đình. Hầu như tất cả các bức tranh của ông đều được đặt vào bối cảnh hai phòng nhỏ trong nhà của ông ở Delft, chúng có cùng đồ nội thất và các đồ trang trí, chỉ khác nhau cách bài trí khác và tranh thường miêu tả cùng một người, chủ yếu là phụ nữ.
Sau khi bị lãng quên gần hai thế kỷ, năm 1866 nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thore Burger đã xuất bản một bài tiểu luận về 66 bức tranh được coi là của Vermeer (chỉ có 35 bức được xác nhận là của Vemeer).
Từ đó, danh tiếng của ông đã nổ rộ nhanh chóng, hiện nay Vermeer được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời kỳ vàng kim Hà Lan.
Đáng chú ý, năm 2017, tiểu thuyết "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" cũng được dịch và xuất bản ở Việt Nam.