Núi Hồng - Sông La

PC-chuan.jpg

Suốt 17 năm qua, hàng trăm người bị tai nạn giao thông đã được trở về nhà an toàn nhờ sự hỗ trợ cấp cứu kịp thời của anh Hà Văn Bang (45 tuổi, ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Thanh 1

“Làm ơn không ngại mắc oán”

"Tai nạn... có người bị tai nạn..."

Tiếng la thất thanh khiến tôi giật mình, chạy thẳng ra phía quốc lộ 1, phía Bắc cầu Mụ Địch, đoạn qua địa bàn xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên). Một người phụ nữ khoảng 35 tuổi nằm trên đường giữa trưa nắng gắt. Khi đỡ chị ngồi dậy, cảnh tượng khiến ai nấy đều phải giật mình - gương mặt trầy xước ở nhiều vị trí, máu chảy liên tục. Người phụ nữ dần kiệt sức. Càng về sau, lượng người hiếu kỳ đến càng đông. Dù ai cũng hối hả tìm cách cứu giúp, tuy nhiên, sự lúng túng là điều không thể tránh khỏi.

Đang loay hoay không biết nên làm gì, tôi bất ngờ khi thấy chiếc xe bán tải BKS 38C-100.40 phanh gấp rồi dừng lại ngay trước mặt. Một người dân thở phào: "Chú Bang đây rồi...". Thao tác nhanh nhẹn, cử chỉ dứt khoát, anh Hà Văn Bang chỉ mất khoảng vài phút để nắm bắt tình hình. Sau đó, anh nhờ mọi người hỗ trợ đưa nạn nhân lên xe.

Anh-3.jpg
Chiếc xe bán tải BKS 38C - 100.40 là "người bạn" đồng hành của anh Bang khi cứu giúp người bị nạn.
trich1.jpg

Có dịp đồng hành cùng chiếc xe bán tải BKS 38C-100.40 cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông, tôi mới thấy được sự nhiệt tình, tận tâm của anh Hà Văn Bang trong từng giây, từng phút giúp nạn nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Với nhiều người dân Cẩm Xuyên, hình ảnh chiếc xe bán tải di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A đã quá quen thuộc.

Chiếc xe bán tải màu xanh thiên thanh có 1 hàng ghế sau, đủ để nạn nhân và một người phụ giúp đi cùng. Theo anh Bang, trong trường hợp nhiều người gặp nạn, anh sẽ tận dụng thêm cả thùng xe để chở. Bằng sự tập trung cao độ, anh Bang vừa giữ vững tay lái, vừa không quên nhắc nạn nhân: "Cố gắng hít sâu, thở đều...". Chỉ sau 15 phút, nạn nhân đã được đưa đến tận cổng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Trong lúc nguy cấp nhất, anh Bang vẫn bình tĩnh đưa chiếc điện thoại di động nhờ người đi cùng hỗ trợ quay một đoạn video ngắn, làm “bằng chứng” cho tình thế khẩn cấp phải di chuyển vượt tốc độ cho phép. Trên thực tế, chiếc xe bán tải của anh đã quá quen thuộc với lực lượng chức năng. Trong nhiều tình huống va chạm giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, đây là chiếc xe có mặt nhanh nhất, sẵn sàng cấp cứu nạn nhân và đồng hành cùng lực lượng chức năng giải quyết các vụ va chạm.

anh-6.jpg
Anh-5.jpg
Anh Bang tận tình hỗ trợ nạn nhân thực hiện các thủ tục cấp cứu.

Khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, anh Bang lại nhanh chóng đẩy nạn nhân vào phòng cấp cứu, sau đó tiến tới khu vực làm thủ tục đăng ký nhập viện, đóng viện phí. Tiếp đó, anh từng bước hỗ trợ nạn nhân chụp phim X.quang, chụp cắt lớp, siêu âm… Ngay cả khi nhận đủ kết quả chụp chiếu, đưa nạn nhân lên phòng điều trị, anh Bang vẫn nán lại để đi mua thuốc cho nạn nhân theo yêu cầu của bác sĩ. Tất cả đều như một “thói quen”. Nhiều người nhầm tưởng anh Bang chính là người nhà của nạn nhân chứ không phải là một người hoàn toàn xa lạ. May mắn thay, nạn nhân đã được cấp cứu kịp thời.

Trò chuyện cùng anh Bang sau khi kết thúc ca cấp cứu, tôi được nghe anh kể về quãng thời gian hơn 17 năm đồng hành hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

trich2.jpg

Với tính cách thẳng thắn, bộc trực, anh Hà Văn Bang (SN 1979, làm nghề kinh doanh tự do) ví cuộc đời mình như một “chuyến phiêu lưu”. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in từng vụ tai nạn, từng nạn nhân được mình cấp cứu trong suốt hơn 17 năm qua.

Anh Bang kể: “Lần đầu tiên tôi hỗ trợ cấp cứu một người bị tai nạn giao thông là cuối năm 2007. Hôm đó khoảng 1 giờ 15 phút sáng, trên đường đi làm từ Kỳ Anh về Cẩm Xuyên, khi di chuyển qua địa bàn xã Cẩm Thịnh, tôi nhìn thấy một bé trai nằm co ro trên đường. Lúc này, thời tiết rất lạnh, người đứa trẻ tím tái, máu chảy rất nhiều. Không kịp suy nghĩ, tôi nhanh chóng liên hệ tìm người hỗ trợ, đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và báo cáo với lực lượng chức năng”.

Sau khi điều tra, lực lượng chức năng cho biết, đứa trẻ cùng gia đình di chuyển từ phía Nam ra Thanh Hóa. Do xe khách bị hỏng, cửa kính mở, bé trai ngồi bên cạnh cửa ngủ gật và rơi xuống đường. Khi xe di chuyển đến TP. Hà Tĩnh, người bố mới tá hỏa khi không thấy con. Ngày hôm sau, khi phương tiện truyền thông đăng tải sự việc, gia đình mới biết bé trai đã được cứu sống. Đây cũng là sự việc đầu tiên đưa anh Bang đến với “cơ duyên” giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.

anh-4.jpg
Anh Hà Văn Bang đã có hơn 17 năm đồng hành, cứu giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Thời điểm năm 2009, có hai bố con trú tại xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc) khi di chuyển qua địa bàn xã Cẩm Thịnh đã va chạm với xe khách. Chiếc xe gây tai nạn sau đó đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi có mặt tại hiện trường, anh Bang liên hệ người hỗ trợ cấp cứu nạn nhân, còn mình sử dụng phương tiện cá nhân, truy tìm xe gây tai nạn, khi đến địa phận huyện Kỳ Anh, chiếc xe đã bị chặn lại và bàn giao cho lực lượng chức năng.

trich3.jpg

Gần 15 năm trôi qua, ông Đặng Văn Chương (SN 1970, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) vẫn chưa bao giờ quên người đã “cứu sống” mình năm ấy. Ông Chương chia sẻ: “Tôi may mắn được anh Bang hỗ trợ cứu giúp khi gặp tai nạn giao thông tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Nhiều năm liền, tôi vẫn dành thời gian từ Can Lộc về Cẩm Xuyên để gặp gỡ, cảm ơn anh Bang. Tinh thần nghĩa hiệp, vì mọi người của anh Bang khiến tôi vô cùng cảm phục. Từ đó, tôi cũng thường xuyên kêu gọi anh em, bạn bè hỗ trợ các nạn nhân khác".

Suốt thời gian qua, không ít nạn nhân đã được anh Hà Văn Bang cứu khỏi “lưỡi hái tử thần". Anh Bang nhớ rõ: “Tết năm 2024, trên đường từ TP Hà Tĩnh về Cẩm Xuyên, khi đi ngang qua địa phận xã Cẩm Bình, tôi nhìn thấy một vụ tai nạn. Lúc xuống xe, nhiều người cho rằng nạn nhân đã tử vong nên không thực hiện sơ cứu. Tôi tiến lại gần và nhận ra nạn nhân vẫn còn thở, có thể cứu sống được. Tôi đã quyết định đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện, kết quả là nạn nhân đã được cứu sống".

Khi được hỏi nạn nhân có quay lại để cảm ơn anh không, anh Bang cười: "Mình cứu được họ là tốt rồi, nhiều khi cũng không hỏi kỹ tên tuổi, địa chỉ, chỉ cần biết sức khỏe của họ ổn định, đã liên hệ được với người nhà là mình có thể yên tâm ra về. Nhiều khi nạn nhân cũng không biết mình là ai để quay lại cảm ơn".

Gần đây nhất là vụ tai nạn liên hoàn làm 3 người chết xảy ra ngày 8/6 trên địa bàn xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên), chỉ 5 phút sau khi va chạm xảy ra, anh Bang đã có mặt tại hiện trường. Lúc này, khi nhận thấy các nạn nhân đều đã tử vong, anh Bang phối hợp với lực lượng chức năng, huy động đội thợ cơ khí trên địa bàn, tiến hành cắt phá phương tiện để đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài.

Anh-2.jpg
Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người tử vong tại xã Cẩm Thịnh ngày 8/6 vừa qua.

Nhiều năm qua, dù bận bịu với công việc kinh doanh hằng ngày, nhưng chỉ cần một cuộc gọi, anh Bang sẵn sàng gác lại công việc, có mặt kịp thời để hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân và lực lượng chức năng khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Không chỉ giúp đỡ người bị nạn đi cấp cứu, nhiều lần, anh Bang còn hỗ trợ đóng viện phí, dùng xe cá nhân đưa người bị nạn về nhà. Chính tinh thần “làm ơn không ngại mắc oán” đã giúp anh Bang trở thành “hiệp sĩ” cứu nạn, cứu hộ được nhiều người dân tin tưởng.

Đó là một số sự việc trong hàng trăm vụ tai nạn giao thông đã được anh Hà Văn Bang cứu giúp các nạn nhân kịp thời suốt hơn 17 năm qua.

Nhiều người dành sự thán phục bởi hành động nghĩa hiệp của anh Hà Văn Bang, bởi lẽ, không ít người gặp phải cảnh bị “vạ lây” khi cứu người bị nạn khiến họ nảy sinh tâm lý dè chừng, e ngại. Không ít vụ tai nạn xảy ra tại Hà Tĩnh nói riêng và trên cả nước nói chung, người giúp đỡ lại bị hiểu nhầm, bị liên luỵ pháp luật hay bị người nhà nạn nhân đe dọa, hành hung…

Video: Anh Hà Văn Bang hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Khi được hỏi về tâm lý lo lắng chung này, anh Hà Văn Bang tâm sự: “Khi gặp người đang ở ranh giới sinh tử, nhiều khi mình cũng không thể suy nghĩ được nhiều, chỉ biết là làm sao làm hết sức mình để giúp họ. Thế nhưng, mình cũng phải có những kinh nghiệm để vừa cứu người, cũng vừa “cứu mình” nữa”.

Kinh nghiệm “cứu mình” mà anh Bang nhắc đến, đó chính là sự có mặt của những người cộng sự - họ sẽ là nhân chứng để “giải oan” cho những tấm lòng nghĩa hiệp. Dù vậy, anh Bang cho biết, suốt 17 năm qua, anh Bang chưa rơi vào tình cảnh trớ trêu đó, phần lớn nạn nhân, người nhà nạn nhân đều bày tỏ lòng biết ơn đối với hành động của anh. Cũng vì lẽ đó, anh Bang mong muốn lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến với đông đảo người dân.

Lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Không chỉ “nổi tiếng” với tinh thần giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, cuối năm 2019, anh Bang cùng 6 thành viên khác tại xã Cẩm Thịnh đã lập nên nhóm “Nhân ái Cẩm Thịnh”. Nhóm được duy trì với các hoạt động từ thiện, kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn; các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung.

Anh1.jpg
Chị Lê Thị Nhung (vợ anh Bang) - "người cộng sự" đặc biệt, luôn ủng hộ chồng thực hiện các công việc thiện nguyện.

Năm 2020, trong đợt cách ly toàn xã hội do dịch COVID-19, nhóm “Nhân ái Cẩm Thịnh” đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nấu cơm miễn phí cho các khu cách ly trên địa bàn. Với 4 lần phát cơm, mỗi lần hơn 120 suất đã giúp nhiều người tha hương trở về quê cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Trong 5 năm thành lập, nhóm đã kêu gọi hỗ trợ cho hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với mức hỗ trợ trung bình từ 20 – 100 triệu đồng. Các đối tượng đều được anh Bang và chính quyền địa phương xác minh hoàn cảnh trước khi huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng. Gần đây nhất, ngày 29/6/2024, vụ cháy thiêu rụi toàn bộ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng tại thôn Lai Trung (xã Cẩm Thịnh) khiến gia đình anh Nguyễn Văn Trường rơi vào cảnh khốn cùng. Bằng sức lan tỏa của mình, anh Hà Văn Bang đã kêu gọi được số tiền hơn 30 triệu đồng trao trực tiếp giúp gia đình từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường.

Anh-7.jpg
Nhóm "Nhân ái Cẩm Thịnh" do anh Bang thành lập với nhiều hoạt động ý nghĩa.
full-1.jpg

Bên cạnh đó, anh Hà Văn Bang cũng đã kêu gọi nguồn xã hội hóa với số tiền hơn 130 triệu đồng, trang bị 2 bộ rạp che, dụng cụ tang lễ, phục vụ miễn phí cho các gia đình khi có nhu cầu, giúp họ tiết kiệm phần nào chi phí trong lúc khó khăn.

trich4.jpg

Cảm phục trước tấm lòng thiện nguyện của anh Bang, bà Hà Thị Lĩnh (thôn Yên Trung, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Hầu hết người dân trên địa bàn xã Cẩm Thịnh đều có số điện thoại liên lạc của anh Bang như một nguồn thông tin để liên hệ khi cần giúp đỡ. Bất kể khi nào gặp va chạm trên đường hay có những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, chúng tôi đều liên hệ với anh Bang và được anh hỗ trợ nhiệt tình”.

Trung tá Trần Hoài Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự (Công an huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Việc tổ chức cấp cứu người bị nạn rất quan trọng, nhiều trường hợp chỉ cần cấp cứu sớm hơn 5-10 phút đã có thể qua cơn nguy kịch. Anh Hà Văn Bang là một công dân tốt, gương mẫu, luôn có mặt rất nhanh để giúp đỡ các nạn nhân, thậm chí, anh còn sử dụng phương tiện, kinh phí cá nhân để hỗ trợ. Công an huyện Cẩm Xuyên đã ghi nhận và nhiều lần biểu dương công dân Hà Văn Bang tại địa bàn xã”.

Cũng theo Trung tá Trần Hoài Nam, thời gian qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, người dân đã có ý thức trong việc hỗ trợ cấp cứu người bị nạn, tuy nhiên, vẫn còn có một số người thờ ơ, vô cảm, coi đó là “không phải việc của mình”. Do vậy, Công an huyện Cẩm Xuyên thường xuyên phối hợp với công an các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền để người dân có ý thức trong việc tham gia giao thông cũng như cấp cứu nạn nhân kịp thời.

Anh-8.jpg
anh-9.jpg
Anh Hà Văn Bang năng nổ, nhiệt tình với các công việc của địa phương (Trong ảnh: Anh Hà Văn Bang làm việc với lãnh đạo UBND xã Cẩm Thịnh về việc giải toả đường giao thông tại chợ Cẩm Thịnh, góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao).

Không thể thống kê hết số người gặp tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh đã được anh Hà Văn Bang đồng hành hỗ trợ. Người đàn ông có giọng nói ồm ồm, tính tình cương trực, thẳng thắn đã trở thành người bạn, người anh em của rất nhiều người dân Cẩm Xuyên. Những việc làm của anh đã lan tỏa tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng. Đây cũng là hành động đẹp cần được nhân rộng để bất kỳ ai khi tham gia giao thông cũng được trở về nhà an toàn.

BÀI, ẢNH, VIDEO: PHAN CÚC

THIẾT KẾ: THÀNH NAM

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.