Sáng 23/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dự liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là Đề án 896). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 896, đến nay, nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân đã được thực hiện theo đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tính đến ngày 5/3/2021, cả nước có 98.736.106 nhân khẩu thường. Trong đó, đã thu thập được 86.603.192 phiếu DC01 của 59/63 địa phương; tiến hành chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của 4 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh đã có sẵn là: 11.204.794 (đạt 99,06%); cập nhật được 16.050.224 phiếu DC02.
Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an báo cáo kết quả thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dự liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân đang đồng loạt cấp thẻ căn cước công dân mới cho Công dân trên toàn quốc với nhiều ưu điểm nổi bật (thẻ có gắn chip điện tử với phương án bảo mật cao; bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế; thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, bền, đẹp...).
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan: Đề nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cấp cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành để bảo đảm khả năng kết nối, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến hết ngày 24/3/2021, hệ thống của Bộ Tư pháp đã cung cấp 5.454.937 dữ liệu đăng ký khai sinh hợp lệ của công dân Việt Nam (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào hệ thống chưa đủ 14 tuổi và có ngày đăng ký khai sinh từ 1/1/2016 trở đi).
Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT: Các bộ, ngành, địa phương cần sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia như là “xương sống” cho kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Đến nay, trong tổng số 1.934 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 TTHC, chiếm tỷ lệ 58,2%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, Bộ Công an và các bộ, ngành hướng dẫn các tỉnh, thành phố có liên quan để việc xây dựng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như: việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa đồng bộ, chưa thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nhiều đơn vị, địa phương chưa chủ động chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm việc sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang chỉ tập trung vào công tác quản lý nghiệp vụ riêng...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành Đề án 896 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo bước đột phá trong quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, kết quả của Đề án 896 đã tạo nền tảng để nâng cao hiệu quả quản lý dân cư theo hướng hiện đại, triển khai các phương án cải cách hành chính, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thời gian tới, yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu dự họp ở đầu cầu Hà Tĩnh.
Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan đến dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo tuân thủ các các quy định, hướng dẫn kỹ thuật theo quy định.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với Bộ Công an tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp để hoàn thiện phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trong thời gian tới.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh giao nhiệm vụ tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 896.
Ngành công an, các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ để kết nối, chia sẻ hiệu quả cơ sở dữ liệu về dân cư. Phải khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thông tin cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư.