Để chuẩn bị cho sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 2026, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết 199/2025/QH15 về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026; đồng thời ấn định ngày bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031. Theo nghị quyết, ngày bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào Chủ nhật - 15/3/2026.
Đến ngày 25/6, Quốc hội khoá XV tiếp tục thông qua Nghị quyết số 211/2025/QH15 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia (Nghị quyết số 211). Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm 19 thành viên, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia là Chủ tịch Quốc hội, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XVI; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
So với các nhiệm kỳ trước, cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2026 - 2031 có nhiều đổi mới do thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 16/5/2025 đã xác định lại cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND. Chính vì vậy, cuộc bầu cử được ĐBQH và HĐND Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm.
Từng có 4 năm giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Thạch Hà cũ - nay là Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND xã Mai Phụ, bà Nguyễn Thị Thuỳ cho rằng, sau khi thực hiện mô hình mới, bộ máy hoạt động của HĐND, cơ cấu HĐND cấp xã là phù hợp thực tiễn và đảm bảo quy định của pháp luật.
"Sau sắp xếp, cơ cấu HĐND xã gồm bí thư đảng uỷ kiêm nhiệm chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch HĐND chuyên trách, 2 trưởng ban là ban kinh tế - ngân sách và ban văn hoá - xã hội, 2 phó trưởng ban, 2 công chức giúp việc cho các ban. Số lượng đại biểu HĐND được nhập từ các xã cũ trước khi sắp xếp và đại biểu HĐND huyện được chỉ định về làm đại biểu HĐND các xã do Thường trực HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Riêng xã Mai Phụ có tất cả 105 đại biểu (gồm 10 đại biểu HĐND huyện chỉ định về làm đại biểu HĐND xã và 95 đại biểu từ 4 xã cũ là Thạch Mỹ, Thạch Châu, Phù Lưu, Mai Phụ)" - bà Thuỳ cho hay.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND xã Mai Phụ cũng phân tích thêm về chức danh của HĐND, thường trực HĐND. Đối với HĐND cấp xã, 3 đại biểu HĐND chuyên trách gồm phó chủ tịch HĐND, phó ban văn hoá – xã hội, phó ban kinh tế - ngân sách. Trong đó, phó chủ tịch HĐND xã do Thường trực HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chỉ định; 2 phó ban do thường trực HĐND xã ban hành nghị quyết phê chuẩn chức danh tại kỳ họp ngày 1/7 vừa qua. Do đó, bộ máy vận hành của HĐND cấp xã đáp ứng yêu cầu đề ra.
Bà Lê Hồng Hạnh (người mặc áo hồng) từng có nhiều năm giữ chức danh Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thị xã Hồng Lĩnh cũ.
Liên quan tới tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu HĐND, bà Lê Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nam Hồng Lĩnh đồng thời là Chủ tịch Hội LHPN phường trao đổi: "Các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu dân cử đã được quy định cụ thể tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015 cùng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điều quan trọng nhất, đại biểu phải là người có "tâm", "tầm", đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lắng nghe, gần gũi và dám bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho Nhân dân".
Bà Hạnh cho biết thêm, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72 có nhiều điểm mới về tổ chức bộ máy của HĐND cấp tỉnh và xã, đặc biệt là cấp xã. Bên cạnh quy định "mở" tạo điều kiện cho địa phương chủ động lựa chọn đại biểu giữ các chức danh hoạt động chuyên trách, khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, mỗi ban HĐND cấp xã có thêm chuyên viên phụ trách. Đây là những thay đổi nhằm tạo điều kiện để HĐND cấp xã phát huy vai trò cơ quan dân cử.
Bà Hạnh khẳng định, chất lượng đại biểu đóng vai trò quyết định tới hoạt động của HĐND. Với những đổi mới của luật, cuộc bầu cử sắp tới sẽ sàng lọc kỹ các đại biểu để "chọn mặt gửi vàng".
Thường xuyên lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho Nhân dân là điều mỗi kỳ vọng ở đại biểu dân cử.
Nhiều đại biểu dân cử tại Hà Tĩnh cho rằng, ngoài tiêu chuẩn "truyền thống", người trúng cử cũng cần nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ để thích nghi với công cuộc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần có lập luận sắc bén, nắm chắc quy định để giải quyết vấn đề phát sinh trên thực tiễn và giải đáp, làm rõ những nội dung cử tri quan tâm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, một số đại biểu kiến nghị cần sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND 2015 theo hướng: nâng cao quyền, nghĩa vụ của cử tri; cải thiện quy trình bầu cử, bỏ phiếu; điều chỉnh cơ cấu, tổ chức của các cơ quan bầu cử và bổ sung các quy định về chế tài xử lý vi phạm quy định bầu cử.
Các quyết sách từ HĐND các cấp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: "Trên cơ sở nghị quyết thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và ấn định ngày bầu cử, các ủy ban bầu cử của 34 ĐVHC cấp tỉnh sẽ được thành lập để tổ chức cuộc bầu cử. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét, sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015 phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Nhằm đảm bảo lộ trình cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bầu cử; tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác bầu cử; chuẩn bị danh sách cử tri, ứng cử viên đảm bảo chính xác, minh bạch, kịp thời; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong tổ chức bầu cử...".