Hồi ký của chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh - những “đốm lửa hồng” (bài cuối): Nhân lên niềm tự hào, khơi dậy ý chí bứt phá trên hành trình đổi mới và hội nhập

(Baohatinh.vn) - Trò chuyện với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng về những ký ức còn xanh mãi trong dòng thời gian của các nhà cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi được đồng chí khẳng định thêm những giá trị to lớn của cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và những bài học quý mà Hà Tĩnh vận dụng, phát huy trên hành trình thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

Trò chuyện với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng về những ký ức còn xanh mãi trong dòng thời gian của các nhà cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi được đồng chí khẳng định thêm những giá trị to lớn của cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và những bài học quý mà Hà Tĩnh vận dụng, phát huy trên hành trình thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

P.V: Thưa đồng chí, trước hết xin đồng chí chia sẻ cảm nhận của mình về những cuốn hồi ký của các nhà cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang được lưu trữ hiện nay?

Đồng chí Trần Thế Dũng: Đánh giá, tổng kết về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định: Những khí chất đặc trưng, nổi trội của con người, vùng đất xứ Nghệ như sự kiên trung, tinh thần anh dũng, bất khuất, ý chí chiến đấu ngoan cường, luôn xả thân vì nghĩa lớn chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Những cuốn hồi ký của các bậc lão thành cách mạng, đảng viên 1930-1931 với những câu chuyện chân thực về tháng ngày đấu tranh đầy cam go, gian khổ, hy sinh đã minh chứng, khẳng định thêm điều đó.

Hồi ký của các nhà cách mạng được ghi chép cẩn thận, mạch lạc kể về quá trình giác ngộ lý tưởng từ rất sớm trong các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, sau khi được ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam soi đường đã trưởng thành, dẫn dắt trong các phong trào cách mạng, trong đó, khởi đầu bằng phong trào 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Hầu hết các nhà cách mạng ở Hà Tĩnh xuất thân trong những gia đình nông dân nghèo khổ hoặc thành phần trung nông, trí thức, thậm chí có người là con nhà địa chủ đi theo cách mạng bởi không cam tâm nhìn đồng bào mình chịu cảnh lầm than, quê hương bị thực dân Pháp dày xéo. Hoạt động cách mạng bí mật trong muôn ngàn chông gai, thử thách, hiểm nguy, họ luôn giữ một tấm lòng kiên trung, không quỳ gối trước cường quyền, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, vì khát vọng độc lập cháy bỏng của Nhân dân.

Bộ sưu tập những cuốn hồi ký cách mạng của các đồng chí cán bộ cộng sản kiên trung ghi lại quá trình chiến đấu từ năm 1930 -1945 và sau này được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Những đảng viên thời kỳ 1930-1931 cũng chính là những “hạt giống đỏ” lãnh đạo quần chúng nhân dân giành thắng lợi to lớn trong Cách mạng tháng Tám và trở thành thế hệ lãnh đạo đầu tiên của cấp ủy, chính quyền các cấp trong những giai đoạn kháng chiến chống thực dân xâm lược cũng như thời kỳ đầu xây dựng, kiến thiết đất nước. Câu chuyện về những cuộc đời cống hiến, hy sinh đầy xúc động của cha ông là tấm gương sáng ngời dẫn dắt các thế hệ cháu con trong gia đình cũng như thấm sâu, lan tỏa lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng trong từng cộng đồng, làng xã.

Hồi ký của các nhà cách mạng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp các nhà nghiên cứu và bạn đọc tiếp cận được sự thật lịch sử trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Đó cũng là những câu chuyện đầy sức thuyết phục để các thế hệ tìm hiểu, khắc ghi sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh. Đồng thời, là “kho báu” để khai thác, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, thúc đẩy tuổi trẻ ra sức học tập, lao động, cống hiến, xứng đáng với công lao to lớn của các bậc cha ông. Bởi vậy, nguồn tư liệu quý giá này cần được tiếp tục bảo quản, sưu tầm, trưng bày và có phương pháp khai thác, tuyên truyền hiệu quả để lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh).

P.V: Có thể nói, những cuốn hồi ký của các nhà cách mạng tiền bối đã làm rõ thêm những ngày tháng sôi sục đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Xin đồng chí cho biết thêm về diễn biến của cao trào cách mạng này dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh?

Đồng chí Trần Thế Dũng: Cuối tháng 3/1930, ngay sau khi Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập tại Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc - Can Lộc), công tác xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng được tiến hành khẩn trương. Đến cuối tháng 4/1930, Trung ương chủ trương kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và quyết định chọn 1/5/1930 làm ngày phát động phong trào quần chúng đấu tranh ở Trung Kỳ. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng phát động Nhân dân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và đây là hoạt động lớn đầu tiên của Đảng bộ kể từ khi ra đời. Thực hiện chủ trương, các địa phương từ Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn đến Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà đã treo cờ, rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết. Nhân dân ở huyện Nghi Xuân vượt sông Lam phối hợp đấu tranh với công nhân Trường Thi - Bến Thủy, nông dân Thạch Hà tuần hành thị uy đả đảo hào lý, tay sai… Từ tháng 5 - 7/1930, phong trào tiếp tục dâng cao, các tổ chức quần chúng được mở rộng.

Ngày 1/8/1930, hàng loạt cuộc mít tinh, biểu tình đã nổ ra ở nhiều huyện như: Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của Nhân dân huyện Can Lộc khiến tri huyện phải cúi đầu nhận bản yêu sách đòi giảm sưu, hoãn thuế. Từ tháng 9/1930, làn sóng cách mạng lan rộng khắp các địa phương. Trong đó, điển hình là ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân huyện Can Lộc kéo đến huyện đường, làm chủ chính quyền, mở cửa nhà lao; ngày 8/9, hàng ngàn nông dân Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên kéo thẳng vào tỉnh lỵ uy hiếp chính quyền thực dân; Nhân dân các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn đều kéo về huyện lỵ đả đảo sự đàn áp khủng bố của địch.

Lá cờ búa liềm của Nhân dân Hương Khê dùng trong các cuộc mít tinh biểu tình phản đối chính quyền tay sai thực dân năm 1930-1931 lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh (bên trái). Bộ sưu tập vũ khí đấu tranh của tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (phía trên) và bộ triện của hào lý nộp cho chính quyền Xô viết năm 1930-1931 được trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cuối tháng 9/1930, Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức tại làng Phù Việt (nay là xã Việt Tiến, Thạch Hà). Đại hội củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng của tỉnh đạt tới đỉnh cao, đó là sự ra đời của các làng Xô viết trên phạm vi toàn tỉnh. Tháng 3/1931, Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh diễn ra tại làng Thường Nga, tổng Lai Thạch (nay là xã Thường Nga, Can Lộc). Đại hội chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đấu tranh của quần chúng như vay lúa cứu đói, đẩy mạnh sản xuất, làm thủy lợi chống hạn, xây dựng mạng lưới tự vệ có sắm vũ khí để bảo vệ Nhân dân và trấn áp bọn phản động. Thực hiện chủ trương của Đảng, các cuộc biểu tình quy mô toàn huyện nổ ra tại nhiều địa bàn, tiếp đó là các cuộc đấu tranh của quần chúng diễn ra liên tiếp trong suốt tháng 5/1931 làm cho chính quyền địch bị lung lay.

Giữa năm 1931, thực dân, phong kiến tập trung lực lượng đàn áp phong trào cách mạng, Đảng bộ Hà Tĩnh bị tổn thất nghiêm trọng, phong trào quần chúng dần lắng xuống và đi vào thoái trào. Mặc dù diễn ra còn sơ khai trong thời gian ngắn, nhưng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã hội tụ được ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước của con người xứ Nghệ, thắp lên ngọn lửa đấu tranh khắp mọi miền quê, đưa phong trào trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên chống lại thực dân, phong kiến ngay sau khi Đảng ta mới ra đời. Trong lời đề tựa của Bác Hồ vào năm 1964 đang được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người đã khẳng định: “Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ…”.

Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người” tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

P.V: Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn đuốc soi đường để Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nỗ lực giành nhiều thắng lợi trong các chặng đường đấu tranh, phát triển. Xin đồng chí chia sẻ thêm về nội dung này?

Đồng chí Trần Thế Dũng: Tiếp nối thành quả của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cao trào cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc. Trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành chính quyền sớm nhất chỉ trong vòng 5 ngày. Giữ vững ý chí chiến đấu kiên cường, Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất trong cả nước không cho giặc Pháp đứng chân trọn một ngày. Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương tham gia đóng góp nhiều nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi.

Trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ khi tỉnh Hà Tĩnh được tái lập vào năm 1991, tinh thần Xô viết nói riêng và truyền thống của vùng đất cách mạng nói chung đã kết thành sức mạnh giúp Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, vươn lên sánh vai với các địa phương trong cả nước. Đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 30 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 78 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt gần 54 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016-2018. Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án, trong đó có 1.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD; trở thành 1 trong 10 tỉnh, thành có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Từ một địa phương sản xuất nông nghiệp lạc hậu, Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng trong cả nước về xây dựng NTM. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm với nhiều cách làm mới, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng trên tất cả các lĩnh vực: giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác cán bộ, phát triển đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; công tác vận động Nhân dân. QP-AN, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông Trần Mạnh Linh, cháu cụ Trần Mạnh Táo (đảng viên 1930-1931 ) trò chuyện về lịch sử quê hương với các ĐVTN xã nông thôn mới Xuân Phổ (Nghi Xuân).

• P.V: Thưa đồng chí! Những bài học từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ được chúng ta tiếp tục vận dụng, phát huy như thế nào trên hành trình đổi mới và hội nhập?

Đồng chí Trần Thế Dũng: Phải khẳng định rằng, tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm và những bài học quý báu từ phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại và mãi mãi về sau. Trong giai đoạn mới, trước hết, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục vận dụng và phát huy những bài học về chăm lo công tác xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở; kịp thời phát hiện, khắc phục và sửa chữa những tồn tại, khuyết điểm. Bên cạnh đó là bài học về xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, đổi mới phương pháp vận động, tổ chức và phát huy năng lực cách mạng to lớn của quần chúng nhân dân trong giai đoạn mới; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; chống tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh trong lãnh đạo, chỉ đạo; sử dụng những hình thức và phương pháp chỉ đạo, điều hành thích hợp trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể…

Cầu bến Thủy bắc qua sông Lam nối liền hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, quê hương Xô viết anh hùng .

Qua thực tiễn phong trào cách mạng, trong đó có những câu chuyện chân thực và sống động trong những cuốn hồi ký của các đảng viên thời kỳ đầu thế kỷ XX, đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự quả cảm, sáng tạo của nhiều cấp bộ, tổ chức Đảng và của những đảng viên chủ chốt. Những đảng viên cộng sản nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cộng sản, bất chấp mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì bình yên cuộc sống của Nhân dân, vì Tổ quốc, đã thể hiện rõ nét phạm trù đạo đức cách mạng và thực hành đạo đức cách mạng, từ đó lan tỏa được niềm tin, sự khâm phục trong Nhân dân, thôi thúc họ bước theo ngọn cờ của Đảng, tham gia đấu tranh cách mạng để đòi lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bài học luôn mới trong công tác xây dựng Đảng hôm nay là phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Để làm tốt yêu cầu nêu trên, Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, luôn trăn trở tìm giải pháp đột phá.

.

Điều cốt yếu là trong mọi chủ trương, chính sách, phải luôn “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh từ Nhân dân, mở rộng dân chủ, tiếp tục khơi dậy lòng tự tôn, tự hào, ý chí, khát vọng của mỗi người dân, tập hợp và phát huy được sức mạnh Nhân dân dưới đường lối lãnh đạo đúng đắn và các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Từ đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước; thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

Rú Cơm (thị trấn Xuân An), nơi vào ngày 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm hiên ngang tung bay trên đỉnh núi mở đầu cho cao trào đấu tranh cách mạng sôi nổi của Nhân dân Nghi Xuân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

THIẾT KẾ - KỸ THUẬT: HUY TÙNG - KHÔI NGUYỄN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói