GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Phan Huy Hiền chủ trì hội thảo .
Tham dự hội thảo có GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Phan Huy Hiền; GS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số hội, đoàn thể trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Nam Hồng trò chuyện với các đại biểu bên lề hội thảo
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc là dịp để chúng ta khẳng định vị trí, vai trò của Ngã ba Đồng Lộc trên mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tôn vinh những đóng góp, hy sinh của quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Hà Tĩnh nói riêng, trong đó vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên xung phong; đúc kết những bài học hữu ích, phát huy tinh thần, ý chí quyết tâm bảo đảm giao thông năm xưa trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Với ý nghĩa đó, hội thảo tập trung làm rõ hơn một số nội dung: làm sáng rõ chủ trương đúng đắn, sự sáng tạo trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khẳng định tầm vóc lịch sử; ý nghĩa to lớn của chiến thắng Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; tri ân, tôn vinh cống hiến, hy sinh của các lực lượng vũ trang và nhân dân, đặc biệt là tấm gương anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy tinh thần ấy trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Hội thảo đã tiếp nhận 34 báo cáo khoa học, trong đó có 10 báo cáo khoa học được trình bày trực tiếp đã làm rõ và khẳng định nhiều nội dung quan trọng.
Các tham luận đã phân tích rõ vai trò, sự đóng góp của lực lượng TNXP, dân quân tự vệ, bộ đội phòng không, những nữ chiến sỹ Trường Sơn, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương… đã góp phần làm nên chiến thắng huyền thoại tại Ngã Ba Đồng Lộc nói riêng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung.
TS Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam trình bày tham luận "Vai trò của lực lượng TNXP Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước"
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cựu chiến binh Trung đoàn Phòng không 210 xúc động: “Trung đoàn chúng tôi với 6 đại đội pháo cao xạ 57mm và 4 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm đã tham gia chiến đấu anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc. “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 210 đã chiến đấu như thế trong 147 ngày đêm tại ngã ba lịch sử”.
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cựu chiến binh Trung đoàn Phòng không 210: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 210 đã chiến đấu như thế trong 147 ngày đêm tại ngã ba lịch sử”.
Là nhân chứng lịch sử, tại hội thảo, Anh hùng LLVTND La Thị Tám hồi ức về tuổi trẻ nơi tọa độ lửa Ngã ba Đồng Lộc với những tháng ngày ở trên đỉnh đồi quan sát, cắm tiêu. Bà bồi hồi: “Vinh quang và công lao thuộc về tập thể, tôi chỉ là một phần nhỏ bé trong đó. Thế hệ chúng tôi, lớp thanh niên đi trước mong được trao truyền trọn vẹn tinh thần ngày trước cho thế hệ tuổi trẻ ngày nay. Các em hãy sống làm sao xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của cha anh; làm sống dậy mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quê hương Hà Tĩnh, của dân tộc Việt Nam anh hùng cùng xây dựng đất nước vững mạnh.”
Anh hùng LLVTND La Thị Tám: Vinh quang và công lao thuộc về tập thể, tôi chỉ là một phần nhỏ bé trong đó. Thế hệ chúng tôi, lớp thanh niên đi trước mong được trao truyền trọn vẹn tinh thần ngày trước cho thế hệ tuổi trẻ ngày nay.
Chiến thắng Đồng Lộc cũng được phản ánh đậm nét qua các tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Phong Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban Tuyên truyền lý luận (Báo Nhân Dân) chia sẻ: “Thông qua các bài ghi chép, bút ký, phóng sự, thơ văn, âm nhạc, hội họa... công bố trên các phương tiện thông tin báo chí đã phản ánh sinh động, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng về thành quả, ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc. Thời gian có thể khiến sự kiện trong quá khứ ngày càng lùi xa, nhưng hành trình về với cội nguồn, nhắc nhở lớp lớp thanh, thiếu niên khắc ghi những chiến công oanh liệt của tuổi trẻ một thời vì dân vì nước vẫn còn mãi. Để hôm nay, lớp trẻ biết kế tục truyền thống và phát huy, đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập”.
Nhà báo Phong Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban Tuyên truyền lý luận (Báo Nhân Dân) trình bày tham luận về “Chiến thắng Đồng Lộc qua báo chí cách mạng Việt Nam”
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Chiến thắng Đồng Lộc khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, quyết tâm đánh thắng hành động “leo thang chiến tranh” cao nhất của đế quốc Mỹ trong trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong đó, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với nhiệm vụ được Trung ương Đảng giao và sự đồng lòng, quyết tâm của các lực lượng.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quan trọng, đồng thời, khẳng định tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Đồng Lộc năm 1968, gắn liền với sự hy sinh anh dũng của các lực lượng, trong đó có 10 cô gái TNXP khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, đất nước; với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, chủ động đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, mở đường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Các kết quả đạt được trong những năm qua đã và đang tạo đà vững chắc cho bước phát triển mới của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, hội thảo tiếp tục khơi nguồn và phát huy các giá trị lịch sử, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; qua đó tạo nên mạch nguồn bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước, tình cảm cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.