Hôm nay các đại cử tri sẽ chính thức bầu tổng thống Mỹ

Các đại cử tri ngày 14/12 sẽ nhóm họp để cùng bỏ lá phiếu trực tiếp quyết định ai là ông chủ Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo.

Hơn 150 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu lựa chọn người họ mong muốn là tổng thống Mỹ trong 4 năm tới hôm 3/11.

Nhưng thực tế lá phiếu của cử tri phổ thông chỉ chọn ra 538 đại cử tri. Ngày 14/12, các đại cử tri sẽ họp để cùng bỏ lá phiếu trực tiếp quyết định ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng tiếp theo.

Hôm nay các đại cử tri sẽ chính thức bầu tổng thống Mỹ

Ảnh: Guardian, Việt hóa bởi Zing

Đại cử tri là gì?

Trong quá trình soạn thảo hiến pháp, các nhà lập quốc Mỹ gặp nhiều khó khăn khi định đoạt vấn đề bầu cử lựa chọn người lãnh đạo đất nước.

Thách thức đến từ yêu cầu cân bằng lợi ích của các tiểu bang, với những bộ phận cư dân khác nhau trong xã hội, cùng diện tích đất nước rộng lớn cản trở việc tổ chức cuộc bỏ phiếu dân chủ. Cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ quyết định lập ra hệ thống đại cử tri.

Mỗi tiểu bang sẽ có số đại cử tri tương ứng với số ghế họ có ở lưỡng viện Quốc hội. Ở Thượng viện, mỗi tiểu bang có bằng nhau 2 ghế. Tại Hạ viện, số ghế đại biểu của mỗi tiểu bang sẽ được phân chia theo tỷ lệ dân số của từng bang.

Ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở một bang sẽ chiến thắng toàn bộ phiếu đại cử tri ở bang đó

Ngoại lệ duy nhất là Maine và Nebraska, nơi số phiếu đại cử tri sẽ được chia theo khu vực. Ứng viên nào giành quá 50% số phiếu đại cử tri sẽ là người chiến thắng cuộc chạy đua tổng thống.

Hôm nay các đại cử tri sẽ chính thức bầu tổng thống Mỹ

Hệ thống đại cử tri đã tồn tại từ khi nước Mỹ được khai sinh. Ảnh: Getty

Qua mỗi 10 năm, nước Mỹ lại tiến hành tổng điều tra dân số để phân bổ lại số ghế Hạ viện, qua đó thay đổi số đại cử tri của các bang.

Trong cuộc bỏ phiếu năm 2020, các bang nơi ông Joe Biden chiến thắng về số phiếu phổ thông có thể giúp ông giành 306 phiếu đại cử tri, so với 232 của đương kim Tổng thống Donald Trump.

Ai có thể là đại cử tri?

Sau khi kết quả kiểm phiểu phổ thông được xác nhận, chính quyền tiểu bang sẽ chọn ra các đại cử tri đại diện bang đó bỏ phiếu lựa chọn tổng thống.

Hiến pháp Mỹ chỉ quy định đại cử tri không thể là thành viên lưỡng viện Quốc hội hoặc đang đương chức tại các cơ quan liên bang.

Thông thường, chính quyền tiểu bang sẽ lựa chọn các cựu chính trị gia đã nghỉ hưu, như cựu tổng thống Bill Clinton năm 2016 từng là đại cử tri bỏ phiếu cho vợ, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.

Năm nay, đến lượt bà Clinton được bang New York lựa chọn làm đại cử tri bỏ phiếu cho ông Biden.

Quan chức cấp tiểu bang cũng có thể được chọn làm đại cử tri. Năm 2016, Thống đốc New York Andrew Cuomo là đại cử tri của đảng Dân chủ bỏ phiếu cho bà Clinton.

Ngoài ra, các nhà hoạt động chính trị, các nhà vận động hành lang, các cá nhân có liên hệ với ứng viên chiến thắng cũng được chọn. Năm 2016, con trai cả của ông Trump là Donald Trump Jr. từng được lựa chọn làm 1 trong 306 đại cử tri của đảng Cộng hòa.

Hôm nay các đại cử tri sẽ chính thức bầu tổng thống Mỹ

Cuộc họp và bỏ phiếu của đại cử tri bang California năm 2016. Ảnh: AP

Đại cử tri bỏ phiếu như thế nào?

Cuộc họp của các đại cử tri đoàn sẽ không diễn ra ở một địa điểm. Thay vào đó, đại cử tri đoàn của từng bang sẽ nhóm họp và bỏ phiếu ở thủ phủ bang đó. Cử tri đoàn của Washington D.C sẽ tiến hành thủ tục tương tự ở thủ đô.

Các đại cử tri sẽ bỏ hai phiếu bằng giấy - một cho tổng thống và một cho phó tổng thống. Các lá phiếu được kiểm, sau đó đại cử tri sẽ ký vào 6 giấy xác nhận kết quả. Mỗi phiếu xác nhận sẽ được đính kèm xác nhận về số phiếu phổ thông của tiểu bang.

6 bộ phiếu này sau đó được sao chụp và gửi tới các quan chức theo quy định của pháp luật, trong đó quan trọng nhất là chủ tịch Thượng viện, tức đương kim phó tổng thống.

Đại cử tri bất trung

Khi được chọn, các đại cử tri thường sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống cho ứng viên đã chiến thắng tổng số phiếu phổ thông ở bang mà đại cử tri này là đại diện.

Hiện nay, luật pháp của 32 bang và thủ đô Washington D.C đã yêu cầu đại cử tri bỏ phiếu như thông lệ nêu trên.

Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ, đã có 165 lượt đại cử tri không bỏ phiếu cho người chiến thắng phổ thông đầu phiếu tại bang mà họ đại diện. Những người này được gọi với cái tên “đại cử tri bất trung”.

4 năm trước, 10 đại cử đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tri đã tìm cách “bất trung” và bỏ phiếu cho ứng viên khác.

Kể từ thế kỷ 20, các vụ đại cử tri bất trung chưa từng thay đổi kết quả bỏ phiếu lựa chọn tổng thống và phó tổng thống Mỹ.

Hôm nay các đại cử tri sẽ chính thức bầu tổng thống Mỹ

Cuộc họp của đại cử tri đoàn bang Massachusetts năm 2008. Ảnh: Getty

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Sau ngày 14/12, kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri sẽ được gửi tới lưỡng viện Quốc hội. Ngày 6/1/2021, lưỡng viện sẽ tổ chức một cuộc họp chung, do Phó tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện - chủ trì, để xem xét kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.

Kết quả bỏ phiếu của từng bang có thể bị thách thức nếu có yêu cầu chính thức bằng văn bản của đồng thời 1 thành viên Thượng viện và 1 thành viên Hạ viện. Khi đó, từng viện sẽ họp riêng và ra quyết định đối với yêu cầu thách thức kết quả bỏ phiếu.

Lịch sử bầu cử Mỹ chưa ghi nhận trường hợp Thượng viện và Hạ viện bất đồng về kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.

Theo đạo luật kiểm phiếu đại cử tri, khi lưỡng viện liên bang bất đồng, thống đốc các tiểu bang được trao truyền quyết định phiếu nào được tính.

Điều này sẽ có lợi cho ông Biden, bởi các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan có thống đốc là người của đảng Dân chủ.

Theo Zing

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.