Hơn 16.400 người chết vì nCoV toàn cầu

Số người chết do nCoV vẫn tăng nhanh ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên hơn 16.500 trong số hơn 378.000 người nhiễm.

Covid-19 xuất hiện ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ là những nước có số ca tử vong trong một ngày cao nhất.

Hơn 16.400 người chết vì nCoV toàn cầu

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực tại một bệnh viện ở Milan hôm 23/3. Ảnh: AFP .

Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 63.927 ca nhiễm và 6.077 người chết, tăng lần lượt 4.789 và 601 ca. Tỷ lệ tử vong ở nước này khoảng 9,5%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong ở Italy đặc biệt cao.

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 35.136 ca nhiễm, 2.311 người chết, tăng 6.368 người nhiễm và 539 người chết so với một ngày trước đó. Chính phủ Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày, bắt đầu từ 14/3. Khoảng 46 triệu người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài để đi làm, mua thức ăn, đến hiệu thuốc, bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.

Đức ghi nhận thêm 4.183 ca nhiễm và 29 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 29.056 và 123. Dù là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ khoảng 0,42%. Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, thông báo kết quả xét nghiệm lần một cho thấy bà Merkel âm tính với nCoV sau khi tiếp xúc một bác sĩ nhiễm bệnh.

Châu Âu hiện báo cáo hơn 10.000 người chết vì nCoV, chiếm khoảng 62% số ca tử vong toàn cầu.

Tại Mỹ, thêm 10.168 ca nhiễm mới được xác định, nâng số người mắc Covid-19 trên cả nước lên 43.734, trong đó 553 người chết, tăng 140 trường hợp so với một ngày trước đó. Những hạn chế trong chiến lược xét nghiệm Covid-19 khiến giới chức y tế gặp nhiều khó khăn trong theo dõi tốc độ lây lan và kiểm soát dịch.

Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 23.049 ca nhiễm và 1.812 ca tử vong. Đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao, một phần nguyên nhân do hệ thống y tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc ghi nhận 78 ca nhiễm mới nCoV, trong đó có 74 ca "ngoại nhập, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên 81.171, trong đó 3.277 người chết, tăng 7 ca so với một ngày trước.

Hàn Quốc báo cáo thêm 76 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9037, trong đó 120 người đã chết. Đây là ngày thứ 13 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hàn Quốc chỉ dừng lại ở mức hai con số.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đang là vùng dịch lớn nhất với 1.518 người nhiễm và 14 người chết. Indonesia là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực với 49 người chết trong 579 người nhiễm.

Tổng cộng, thế giới ghi nhận thêm gần 1.900 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu, đưa số người chết vì nCoV lên 16.490. Trong khi đó, 101.584 người, tức 26,8% số ca nhiễm, đã hồi phục. Quần đảo Turks và Caicos, Belize và Myanmar là những nước và vùng lãnh thổ mới xuất hiện dịch.

Theo AFP/Worldometer/VNE

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.