Số hồ sơ thực tế mà TP Hà Tĩnh trả cho người dân bị quá hạn từ đầu năm đến nay chỉ là 1. Tuy nhiên, do cán bộ chuyên môn chậm kết thúc quy trình xử lý trên phần mềm nên số lượng hồ sơ quá hạn trên cổng dịch vụ công của thành phố rất lớn
Là địa phương luôn dẫn đầu các đơn vị cấp huyện trong công tác cải cách hành chính, tuy nhiên, trong hơn 2 tháng đầu năm 2019, TP Hà Tĩnh là địa phương có số lượng hồ sơ quá hạn trên dịch vụ công trực tuyến lớn nhất. Theo thống kê, đến hết ngày 9/3, trên cổng dịch vụ công, thành phố đã có trên 500 hồ sơ quá hạn.
Lý giải về con số này, Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh - Trần Quang Toản khẳng định: Số hồ sơ thực tế mà thành phố trả bị quá hạn cho người dân từ đầu năm cho đến nay chỉ là 1 hồ sơ. Số lượng chậm thể hiện trên cổng dịch vụ công lớn là do cán bộ chuyên môn chưa kết thúc quy trình xử lý trên phần mềm nên hệ thống vẫn báo quá hạn.
"Hiện nay áp dụng theo Nghị định 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, khi xử lý xong hồ sơ thủ tục cho người dân, muốn kết thúc quy trình trên phần mềm phải gắn thêm tệp kết quả xử lý hồ sơ, thủ tục. Muốn thực hiện được điều này, các phòng ban, cán bộ chuyên môn phải sử dụng thêm máy scan, máy chụp hình để tạo tệp, lưu file, tải file lên phần mềm, lúc đó mới kết thúc quá trình, điều này mất thêm nhiều công đoạn, thời gian. Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh mỗi ngày có số lượng hồ sơ giao dịch rất lớn, trong khi các thiết bị hiện có chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc" - ông Toản lý giải thêm cho việc kết thúc quy trình trên phần mềm dịch vụ công bị chậm.
Trong khi các huyện có lượng hồ sơ quá hạn trên cổng dịch vụ công rất lớn thì tại Trung tâm Hành chính công tỉnh lại có số lượng hồ sơ quá hạn rất nhỏ (2 hồ sơ). Điều này phần nào phản ánh những tồn tại, yếu kém tại các đơn vị cấp huyện.
Sau thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc là huyện "nhì bảng" về số hồ sơ bị quá hạn trên dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê từ đầu năm đến hết ngày 10/3, Can Lộc đã có khoảng 400 hồ sơ bị quá hạn. Trong số này, ngoài Văn phòng UBND huyện, thì có nhiều xã có số lượng lớn như: Quang Lộc 158 hồ sơ, Thường Nga 27 hồ sơ, Trường Lộc 15 hồ sơ...
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Đại Đồng - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Can Lộc cho rằng, việc để số lượng hồ sơ quá hạn lớn trên dịch vụ công trực tuyến chủ yếu là do con người. Trên thực tế, hiện nay, số hồ sơ quá hạn của cấp xã đang xử lý là khoảng 53 bộ, còn số hồ sơ quá hạn của Văn phòng UBND huyện hiện này là không có. Có một số lượng lớn hồ sơ, thủ tục trả đúng hạn cho người dân, tuy nhiên do cán bộ, nhân viên thao tác chậm, thao tác sai, thậm chí là không thao tác trên phần mềm dịch vụ công nên hồ sơ bị quá hạn.
Việc các huyện để hồ sơ quá hạn lớn trên phần mềm dịch vụ công, phần nào phản ánh những hạn chế trong kỹ năng ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ chuyên môn và vai trò kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo địa phương.
Ông Đồng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Qua thực trạng hồ sơ quá hạn lớn trên dịch vụ công cho thấy, thời gian qua, lãnh đạo các phòng, ban và địa phương đã thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ chuyên môn thao tác trên phần mềm dịch vụ công. Ngoài ra còn có tình trạng cán bộ chuyên môn đã xử lý nhưng lãnh đạo lại chưa xử lý, khiến cho hồ sơ bị quá hạn. Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn để xảy ra tình trạng chậm hồ sơ trên dịch vụ công.
Ngoài TP Hà Tĩnh và Can Lộc, hiện nay, các địa phương đang có số lượng hồ sơ quá hạn lớn trên dịch vụ công như: Hương Khê (218 hồ sơ), huyện Kỳ Anh (156 hồ sơ), TX. Kỳ Anh (171 hồ sơ), Thạch Hà (85 hồ sơ)...
Có thể nói, việc để số lượng hồ sơ quá hạn lớn trên dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh những lý do khách quan đã cho thấy những hạn chế về năng lực, kỹ năng, ý thức trong ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ chuyên môn và vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo các địa phương.