Cụm từ “drama” có ý nghĩa là “kịch, vở kịch”. Thế nhưng, trong thế giới mạng xã hội ngày nay, cụm từ này lại thường dùng để chỉ những người có xu hướng thích thú với việc theo dõi và bàn tán các câu chuyện ồn ào. Thậm chí, “drama” còn được ngầm hiểu như một “scandal” - từ ngữ ám chỉ vụ việc tai tiếng có tốc độ lan truyền nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Dễ dàng nhận thấy, trên các nền tảng mạng xã hội đang tràn lan những nội dung thiếu giá trị, thậm chí mang tính độc hại. Từ lùm xùm từ thiện của Phạm Thoại và mẹ Bắp đến những mối quan hệ tình cảm mập mờ của streamer ViruSs (được cho là người yêu của rapper Pháo)... Cứ thế, hết “drama” này nối tiếp “drama” kia, khiến “dân mạng” phải liên tục cập nhật thông tin. Thậm chí, sự tò mò còn lan rộng ra quốc tế, đáng chú ý như vụ việc tình cảm của nam diễn viên Hàn Quốc Kim Soo Hyun.
Điều này cho thấy, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ đang lãng phí lượng lớn thời gian vào việc theo dõi những câu chuyện ồn ào của người nổi tiếng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi hàng triệu người sẵn lòng sắp xếp lịch trình, thậm chí bỏ qua nhu cầu nghỉ ngơi chỉ để xem buổi phát trực tiếp vô bổ. Đáng nói hơn, nhiều người còn chấp nhận trả tiền để được tương tác, đặt câu hỏi với người phát trực tiếp.

Bạn trẻ N.T.A. (22 tuổi, TP Hà Tĩnh) là một trong hàng triệu người đã bị cuốn vào vòng xoáy “drama” tình cảm của streamer ViruSs chia sẻ: “Chỉ cần lơ là một chút, tôi có thể trở thành “người tối cổ” bởi không biết gì về những chuyện đang gây sốt trên mạng xã hội. Bạn bè ai cũng bàn tán nên nếu mình không biết thì khó mà bắt chuyện hay tham gia vào các cuộc trò chuyện chung. Đôi khi, tôi cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau nếu không cập nhật những “biến” mới nhất”.
Rõ ràng, sức hút của “drama” trên mạng xã hội rất khó cưỡng. Điều này trước hết bắt nguồn từ chính bản năng tò mò trong mỗi người. Bên cạnh đó, việc theo dõi “drama” còn mang lại cảm giác giải trí tức thời, thậm chí trở thành một biện pháp đơn giản để “giết thời gian”.
Ngoài ra, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội trong việc khuếch tán “drama” một cách nhanh chóng và rộng rãi. Thuật toán của các nền tảng trực tuyến thường ưu tiên hiển thị những nội dung thu hút sự chú ý, tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ cần một dòng trạng thái gây tranh cãi, một đoạn video ngắn kịch tính hay một bức ảnh “gây bão”…, người dùng mạng xã hội rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của “drama”.

Bạn T.L.C. (23 tuổi, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thay vì dồn tâm sức vào công việc, học tập hay dành thời gian chăm sóc bản thân, tôi và bạn bè đã sa đà vào việc theo dõi những câu chuyện chẳng hề liên quan đến cuộc sống riêng của mình. Chúng tôi bị cuốn theo những màn đấu tố trên mạng mà quên mất những việc quan trọng cần phải làm. Đến khi nhìn lại, mới thấy thời gian trôi qua lãng phí, còn bản thân thì chẳng thu được gì ngoài những thông tin hỗn tạp và cảm xúc tiêu cực”.
Việc “hóng drama” không chỉ tác động xấu đến sức khỏe và tinh thần mà còn góp phần nhân rộng thông tin độc hại trên mạng. Việc dễ dàng bình luận, chia sẻ, thậm chí công kích người khác dựa trên thông tin chưa xác thực tạo nên môi trường mạng thiếu lành mạnh. Đáng lo ngại hơn, thói quen này có thể gây nghiện, thôi thúc người dùng mạng xã hội phải liên tục cập nhật những “drama” mới nhất.
Thú vui “hóng drama” chỉ mang đến sự giải trí nhất thời nhưng về lâu dài lại ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống. Đã đến lúc người dùng mạng xã hội cần chủ động “giảm liều”, thậm chí từ bỏ hoàn toàn thói quen này. Cùng đó, cần dành sự quan tâm tới những điều thực sự ý nghĩa, vun đắp những mối quan hệ chân thành, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, khám phá những điều tốt đẹp trong cuộc sống.