Hươu sao - vật nuôi chủ lực trong cơ cấu sản xuất của huyện Hương Sơn và là một trong những sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Sản phẩm đa dạng, phong phú
Hương Sơn là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm vườn đồi, trang trại, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao như: Nhung hươu, mật ong, chè (trà) xanh, lạc, đậu và các loại cây ăn quả có múi. Đặc biệt, nói đến Hương Sơn, không thể không nhắc đến đặc sản nổi tiếng là: Cam bù và nhung hươu.
Nghề nuôi hươu lấy lộc nhung ở Hương Sơn được coi là nghề truyền thống từ lâu đời, và trải qua không ít thăng trầm. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, với sự đầu tư của địa phương, nhung hươu đã trở về với giá trị đích thực của nó, và trở thành giống con chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, tổng đàn hươu trên địa bàn đạt trên 36.000 con, trong đó khoảng 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung. Năm 2019, người chăn nuôi hươu ở Hương Sơn thu nhập từ lộc nhung khoảng 150 tỷ đồng.
Cam bù của HTX Trường Mai (Hương Sơn) đã được cấp chứng chỉ VietGAP.
Một sản phẩm cây ăn quả có múi không kém phần nổi tiếng của Hương Sơn là cam bù. Cam bù Hương Sơn có vị ngọt thanh, thơm, mọng nước, là cây ăn quả đem lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Cam bù được trồng ở hầu hết các xã của huyện Hương Sơn, nhưng nhiều nhất ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Trung, Sơn Thủy... Đến nay, tổng diện tích cam bù trên địa bàn huyện Hương Sơn đạt hơn 1.000 ha.
Bên cạnh đặc sản nhung hươu đã được cấp chỉ dẫn địa lý, cam bù được cấp chứng nhận VietGAP, Hương Sơn còn có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: Mật ong (Sơn Quang, Sơn Lâm), chè (Sơn Kim)... Đây cũng là những sản phẩm đủ điều kiện để xây dựng nhãn hiệu OCOP.
Xây dựng OCOP, tạo gia tăng giá trị sản phẩm
Mặc dù các sản phẩm hung hươu, cam bù, mật ong, chè… Hương Sơn đã có thương hiệu trên thị trường nhưng việc phát triển, tạo giá trị gia tăng sản phẩm đang còn khiêm tốn. Đời sống, thu nhập của những người dân làm ra sản phẩm này vẫn còn thấp, chưa tương xứng với thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, việc xây dựng, đưa các sản phẩm này tham gia chương trình OCOP, cụ thể hóa đề án OCOP của tỉnh là một trong những nội dung trọng tâm được huyện Hương Sơn tập trung triển khai quyết liệt.
Nhung hươu đã được chế biến ra nhiều sản phẩm như: Bột nhung, cao nhung, mật ong ngâm nhung, rượu nhung... tạo giá trị gia tăng sản phẩm
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho hay: Để triển khai thực hiện thành công chương trình OCOP, huyện Hương Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, phòng ban và địa phương tập trung bám sát Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh. Trong đó, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm thế mạnh, đặc sản trong nông nghiệp như: Nhung hươu, cam bù, cam chanh, nem chua Ý Bình, mật ong, dầu lạc, chè xanh...
Cũng theo ông Hưng, Hương Sơn đã xây dựng một số chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương tham gia OCOP. Năm 2019 -2020, huyện tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng 11 sản phẩm đề xuất tỉnh phân hạng đạt tiêu chuẩn từ 3- 5 sao. Trong đó, phấn đấu xây dựng sản phẩm nhung hươu, cam bù… đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia.
Nem chua Ý Bình (Hương Sơn) - một trong những sản phẩm làm điểm đưa vào chương trình OCOP đã lên kệ siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh
Với những tiềm năng, lợi thế về sản xuất sản phẩm chất lượng cao, Hương Sơn có nhiều cơ hội đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu chương trình OCOP, tạo giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.