Huyện Kỳ Anh quyết tâm đẩy lùi tình trạng khai thác hải sản trái phép

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, mô hình dân vận khéo về phòng chống vi phạm khai thác IUU ở huyện Kỳ Anh đã đem lại hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng khai thác hải sản trái phép.

Ngay sau khi được địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, vận động về công tác phòng chống vi phạm khai thác IUU, mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Kim (SN 1980), ở thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) đã tự nguyện đến UBND xã giao nộp dụng cụ khai thác hải sản trái phép đã sử dụng thời gian qua.

A1.jpg
Công an xã Kỳ Khang gặp gỡ, trò chuyện với gia đình ngư dân Nguyễn Văn Kim.

Anh Kim chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là mua sắm dụng cụ bằng điện đánh bắt để nâng cao năng suất, cải thiện cuộc sống mà chưa biết đến, việc sử dụng xung điện cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngư trường ngày càng cạn kiệt.

Vì thế, sau khi được địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã nhận thức được, muốn có ngư trường bền vững thì phải chung tay bảo vệ, gìn giữ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tự nguyện giao nộp những dụng cụ đánh bắt không đúng quy định".

A2.jpg
Anh Kim giao nộp dụng cụ đánh bắt bằng kích điện cho cơ quan chức năng.

Nhận biết được tác hại của việc đánh bắt trái phép, thời gian này, một số ngư dân ở xã Kỳ Xuân cũng đã tự nguyện đến trụ sở công an xã giao nộp dụng cụ đánh bắt trái phép.

Ông Bùi Ngọc Khanh ở thôn Nguyễn Huệ chia sẻ: "Tôi vừa cùng một ngư dân trong thôn đến giao nộp 1 bộ giã cào kích điện, 1 bộ súng bắn điện và một số dụng cụ khác. Chúng tôi cũng đã ký cam kết không tái phạm. Qua đây, tôi cũng mong mọi người đồng tình, ủng hộ và dừng mọi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, góp phần đem lại một ngư trường dồi dào và bền vững cho chính ngư dân chúng ta”.

A5.jpg
Ngư dân xã Kỳ Xuân tự nguyện giao nộp các dụng cụ đánh bắt trái phép cho cơ quan chức năng.

Là địa phương có trên 200 hộ dân tham gia đánh bắt hải sản với 249 tàu thuyền các loại, thời gian qua, xã Kỳ Xuân đã tập trung cao trong thực hiện mô hình dân vận khéo về “các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phòng chống tai nạn, cứu hộ, cứu nạn trên biển (IUU)”.

Sau hơn 2 tháng thực hiện, Kỳ Xuân đã tổ chức hướng dẫn 100% các chủ tàu thuyền sơn vẽ, đăng ký cấp phép khai thác; gắn công khai các nội dung chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, đường dây nóng ứng cứu và xử lý các tình huống trên biển cho tàu thuyền. Cùng với đó, hội nông dân xã cũng đã gắn nhiều biển tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển các địa phương. Từ đó, đã có hàng chục hộ dân tự nguyện giao nộp các phương tiện, dụng cụ đánh bắt bất hợp pháp.

Ông Dương Xuân Sáu - Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân cho biết: “Trước đây, mặc dù xã luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt hải sản bằng kích điện, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Thế nhưng, kể từ khi huyện thành lập được mô hình dân vận khéo, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với sự phối hợp của nhiều lực lượng nên đã tạo được sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của từ cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể đến bà con ngư dân”.

Không chỉ với xã Kỳ Xuân, tại các xã vùng biển Kỳ Phú, Kỳ Khang... mô hình dân vận khéo về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cũng được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

A4.jpg
Ngư dân Kỳ Khang ký cam kết không sử dụng các dụng cụ đánh bắt trái phép

Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tuyên truyền cấm dùng chất nổ, xung kích điện và các phương tiện có tính chất hủy diệt ngư trường, được các địa phương chú trọng và thực hiện thường xuyên. Việc sơn, kẻ vẽ tàu thuyền, biển số tàu thuyền, treo cờ Tổ quốc khi ra khơi, giữ gìn vệ sinh môi trường biển và bờ biển cũng được thực hiện đầy đủ.

Ông Nguyễn Đình Hoán, Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Khang cho biết: "Triển khai thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã Kỳ Khang đã phân công các đồng chí cấp uỷ phụ trách địa bàn và các đoàn thể tập trung rà soát, thống kê các hộ ngư dân sử dụng ngư cụ bị cấm để tuyên truyền, vận động bà con tự nguyện giao nộp và ký kết không tái phạm. Cùng đó, xã lồng ghép các chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nghề, vay vốn sản xuất, chuyển đổi sang nghề khai thác sử dụng ngư cụ hợp pháp hoặc chuyển đổi nghề khác giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, hướng đến khai thác bền vững nguồn lợi tự nhiên".

A7.jpg
Nhiều phương tiện đánh bắt trái phép đã được người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng.

Qua 2 tháng ra mắt mô hình, toàn huyện Kỳ Anh đã có 27 hộ (Kỳ Xuân 20 hộ, Kỳ Khang 7 hộ) tự giác giao nộp cho địa phương và lực lượng chức năng hàng chục dụng cụ, ngư cụ đánh bắt trái phép như: chất nổ, mô tơ kích điện, kíp nổ, súng điện, máy phát điện, lưới giã cào, hàng trăm mét dây điện, vòi lặn, dây neo... Tổ đồng nghề cá phối hợp với Đồn Biên phòng Kỳ Khang đã đấu tranh bắt giữ, xử lý 13 phương tiện tàu thuyền; tham mưu UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 210 triệu đồng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp dụng cụ đánh bắt bất hợp pháp, huyện Kỳ Anh cũng đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quyên góp, hỗ trợ cho các ngư dân đã giao nộp dụng cụ với số tiền hơn 80 triệu đồng để mua sắm tư liệu sản xuất thay thế.

Sau hơn 2 tháng ra mắt và đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua nắm bắt thông tin từ bà con ngư dân, thời gian gần đây, ngư trường tại các xã vùng biển đã xuất hiện trở lại nhiều loài hải sản như: tôm, ghẹ, cá, mực di cư sát gần bờ; sản lượng khai thác trong quý 3 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

A6.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thế Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Trương Thanh Huyền và lãnh đạo huyện Kỳ Anh trao kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình dân vận khéo cho các đơn vị.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo duy trì và phát triển mô hình này. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân không vi phạm khai thác IUU, huyện sẽ thực hiện nghiêm túc việc ký cam kết với các chủ tàu cá, thuyền trưởng. Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, theo dõi nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đánh bắt thủy, hải sản trái phép, đặc biệt là sử dụng chất nổ, xung kích điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản trên biển.

Ông Hồ Huy Thành - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh

Đọc thêm

Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.