Theo một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, hệ thống cáp quang biển APG sẽ tiến hành di chuyển cáp tại Singapore trong hai ngày 6-7/1 nhằm phục vụ việc mở rộng sân bay Changi (Singapore). Trong khi đó tuyến cáp khác là AAG cũng tiến hành cấu hình lại nguồn từ 6/1 đến 9/1.
Cáp quang AAG và APG đồng loạt gián đoạn cuối tuần này. |
Việc di dời và thiết lập lại hệ thống hai tuyến cáp quang biển trên có thể khiến đường truyền Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo một số ISP thì gián đoạn này nằm trong kế hoạch nên các nhà mạng tại Việt Nam đã lên phương án nhằm đảm bảo kết nối cho người dùng.
Một nhà cung cấp Internet tại Việt Nam cho biết đã chuẩn bị dung lượng ứng cứu qua tuyến cáp đất liền để bù đắp cho thiếu hụt trên kết nối trên hai tuyến cáp quang biển AAG và APG. Tuy nhiên, AAG và APG chiếm tỷ trọng lớn trong đường truyền Internet Việt Nam ra quốc tế nên dù lên các phương án thích ứng nhưng một số khách hàng vẫn có thể bị ảnh hưởng trong dịp cuối tuần.
Ngoài đợt nằm trong kế hoạch trên, cáp quang biển AAG và APG nhiều lần gặp sự cố ngẫu nhiên kể từ khi đi vào hoạt động. Riêng trong năm 2017, tuyến AAG đã xảy ra vấn đề ít nhất năm lần. Trong khi đó hệ thống APG mới hoạt động từ đầu 2017 nhưng đến giữa năm cũng đã bị đứt.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Có 4 công ty Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT, trong tổng số 19 công ty cùng xây dựng.
Còn tuyến cáp APG có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, được đầu tư bởi các doanh nghiệp quốc tế và bốn công ty Việt Nam gồm FPT, VNPT, Viettel và CMC. Với băng thông tối đa lên đến 54 Tb/giây, đây là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất hoạt động tại châu Á.