Từ trái sang: Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Ngoại trưởng Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Saudi Arabia đã đạt được vào ngày 10/3 trong các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Iran đã đăng hình ảnh và video về ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban và ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết: “Sau khi đạt được sự đồng thuận, ngoại trưởng của cả hai nước sẽ gặp nhau để chuẩn bị cho việc trao đổi đại sứ”.
Trong đoạn phim được truyền thông Iran phát sóng, Ngoại trưởng Vương Nghị gửi lời chúc mừng đối với Iran và Saudi Arabia.
Ông Vương Nghị nói: “Cả hai bên đều thể hiện sự chân thành. Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận này”.
Hãng thông tấn Saudi Arabia đã xác nhận thỏa thuận này khi đồng thời công bố tuyên bố chung của Saudi Arabia và Iran, trong đó cho biết, hai nước đã đồng ý tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tuyên bố cũng cho biết, Riyadh và Tehran đã đồng ý kích hoạt thỏa thuận hợp tác an ninh được ký vào năm 2001.
Riyadh, Tehran và Bắc Kinh “bày tỏ mong muốn thực hiện mọi nỗ lực nhằm tăng cường hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế”, tuyên bố cho biết.
Ông Musaad bin Mohammed al-Aiban, trái, và ông Ali Shamkhani tại Bắc Kinh hôm 10/3. (Ảnh: Saudi Press Agency/Reuters)
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran dẫn lời ông Shamkhani gọi các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh là “rõ ràng, minh bạch, toàn diện và mang tính xây dựng”: “Xóa bỏ những hiểu lầm và quan điểm hướng tới tương lai trong quan hệ giữa Tehran và Riyadh chắc chắn sẽ dẫn đến việc cải thiện sự ổn định và an ninh khu vực cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vùng vịnh Persian và thế giới Hồi giáo để quản lý những thách thức hiện nay”.
Ông Vương Nghị xác nhận, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc xử lý các vấn đề nóng và thể hiện trách nhiệm với tư cách là một quốc gia lớn. Ông nói, với tư cách là một nhà trung gian “thiện chí” và “đáng tin cậy”, Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ nhà đối thoại.
Căng thẳng Iran - Saudi Arabia đã diễn ra từ lâu. Riyadh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran vào năm 2016 sau khi những người biểu tình xâm chiếm các cơ sở ngoại giao của Saudi Arabia ở Iran. Saudi Arabia đã hành quyết một học giả Hồi giáo người Shia nổi tiếng vài ngày trước đó, gây ra các cuộc biểu tình.
Iran với đa số người Shia và Saudi Arabia với đa số người Sunni ủng hộ các phe đối địch ở một số khu vực xung đột trên khắp Trung Đông, bao gồm cả ở Yemen, nơi phiến quân Houthi được Tehran hậu thuẫn và Riyadh dẫn đầu một liên minh quân sự hỗ trợ chính phủ. Cả hai bên gần đây đã tìm cách cải thiện quan hệ.