Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 8/12, Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết do yêu cầu công việc và đặc điểm của tình hình, Phiên họp thứ 6 được tổ chức thành hai đợt.

Đợt 1 từ ngày 8-10/12, đợt hai từ ngày 21-22/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung cấp bách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi đã có thẩm tra sơ bộ và làm việc sơ bộ của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, trong 5 nội dung dự kiến Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường có 4 nội dung đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là vấn đề rất quan trọng, cấp bách hiện nay, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cụ thể.

Nhấn mạnh nội dung này nằm ngoài khuôn khổ của các khung kế hoạch 5 năm đã trình Quốc hội xem xét, quyết định, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề hết sức quan trọng, hệ trọng nên cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đây là công trình quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình và báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương đối với Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, về nội dung, thời gian, cách thức tổ chức cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa Chương trình hành động của Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 161, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét, cho ý kiến và kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một đề án trong 107 nhiệm vụ trong chương trình công tác của Quốc hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2021; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác Dân nguyện của tháng 11 và nhiệm vụ của tháng 12…

Ngoài ra, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề cấp bách khác đã được Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết 30 của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; trong đó có hai nhóm nhiệm vụ rất quan trọng, gồm xem xét, cho ý kiến, quyết định theo ủy quyền của Quốc hội đối với một số quy định đặc thù, đặc cách và đặc biệt để phòng, chống dịch COVID-19; liên quan đến việc xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sở dĩ phiên họp được tổ chức làm hai đợt vì yêu cầu cần cho ý kiến sớm về những nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường của Quốc hội, để Chính phủ và các cơ quan thẩm tra có đủ thời gian, điều kiện hoàn thiện, nâng cao chất lượng các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sáng 19/4, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn. Điểm cầu Hà Tĩnh diễn ra ở nút giao QL8A (Km479+300) thuộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với lễ thông xe tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm yêu cầu quá trình hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thận trọng, có chọn lọc, phù hợp thực tiễn; đảm bảo hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, mở rộng không gian phát triển...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố ở Hà Tĩnh có vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách đến với Nhân dân. Dù vậy, bên cạnh những cán bộ năng nổ, nhiệt tình cũng còn không ít bất cập, nhất là chất lượng của một số cán bộ thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.