Sau một thời gian tạm lắng, những tháng đầu năm 2021, khi các công trình xây dựng trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ, tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là với đất san lấp và cát xây dựng lại tái diễn ở nhiều địa phương; thậm chí có những vụ việc thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật của các đối tượng.
Hiện trường vụ khai thác đất trái phép xảy ra ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (ảnh trái) và chiếc máy xúc - tang vật của vụ khai thác đang bị ngành chức năng huyện Can Lộc đang tạm giữ để làm rõ vụ việc. |
|
|
Hiện trường vụ khai thác đất trái phép xảy ra ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (ảnh trên) và chiếc máy xúc - tang vật của vụ khai thác đang bị ngành chức năng huyện Can Lộc đang tạm giữ để làm rõ vụ việc. |
Đơn cử là vụ việc khai thác đất trái phép ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga (Can Lộc) bị tổ công tác liên ngành của Sở TN&MT phát hiện vào chiều tối ngày 10/3. Tại hiện trường, một đồi đất rộng lớn với hàng nghìn m3 đất đã bị các đối tượng ngang nhiên khai thác, vận chuyển ra khỏi địa bàn. Theo ông Đường Hồng Lam - Chủ tịch UBND xã Thường Nga, khu vực khai thác nói trên là đất rừng sản xuất với diện tích 10.791,1 m2 do ông Hoàng Văn Trung (SN 1970, xã Kim Song Trường, Can Lộc) quản lý. Điều đáng nói, ngày 28/2, chính quyền địa phương đã phát hiện sự việc khai thác đất trái phép ở khu đất của ông Trung và đã tiến hành lập biên bản, niêm phong máy xúc. Tuy nhiên, các đối tượng đã ngang nhiên gỡ bỏ niêm phong và tiếp tục khai thác đất trái phép.
Do không giám sát kỹ quá trình cải tạo đồi đất để làm nhà văn hóa thôn 12, xã Hà Linh, huyện Hương Khê nên nhiều khối mét đất đã bị các đối tượng vận chuyển ra ngoài địa bàn (ảnh trái). Số đất này được cung cấp cho một công trình ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, gây thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách cho tỉnh (ảnh phải). |
|
|
Do không giám sát kỹ quá trình cải tạo đồi đất để làm nhà văn hóa thôn 12, xã Hà Linh, huyện Hương Khê nên nhiều khối mét đất đã bị các đối tượng vận chuyển ra ngoài địa bàn (ảnh trên). Số đất này được cung cấp cho một công trình ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, gây thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách cho tỉnh (ảnh dưới). |
Trước đó khoảng 1 tháng, để có diện tích xây dựng nhà văn hóa và khu sinh hoạt cộng đồng thôn 12, UBND xã Hà Linh (Hương Khê) cần di dời khối lượng đất lên tới 12.000 m3 ở vùng đồi Bánh Rán nên đã tạo điều kiện để thôn khai thác, bán lại đất cho các hộ dân có nhu cầu với giá 150.000 đồng/xe và giao ước “không được vận chuyển đất ra ngoài thôn”. Thôn 12 khi đó chỉ giám sát tại vị trí đổ đất ở nhà dân, còn hoạt động múc đất thì khoán trắng cho tốp thợ mà UBND xã thuê. Xuất phát từ cách quản lý lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng bán đất ra ngoài địa bàn, trục lợi trái phép.
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá phức tạp, nhất là tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An.
Không chỉ “đất tặc”, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Lam, sông La, sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông Rác…, cũng diễn ra khá phức tạp. Gần đây nhất, vào ngày 6/4, tổ liên ngành do Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) chủ trì phát hiện trên tuyến sông Lam - khu vực giáp ranh giữa xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) và xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) có 2 sà lan đang có hành vi hút cát từ dưới lòng sông lên khoang chứa. Thời điểm bị bắt quả tang, trên 2 sà lan có khoảng 45 m3 cát. Chủ các phương tiện này thừa nhận việc khai thác cát trên sông Lam không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sà lan khai thác cát trái phép bị ngành chức năng bắt giữ trên sông Lam.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiện nhiều vụ khai thác cát trái phép khác. Đặc biệt, có thời điểm chỉ trong 1 ngày, công an các địa phương Nghi Xuân, Hương Khê bắt giữ 3 vụ khai thác cát trái phép trên sông.
Để thực hiện hành vi khai thác đất, cát trái phép, bên cạnh việc lợi dụng lúc rạng sáng, đêm tối hoặc lúc chính quyền địa phương “bận việc”, các đối tượng còn sử dụng các “chiêu trò” nhằm che mắt, đối phó với lực lượng chức năng. Vụ khai thác đất trái phép ở khu vực đất rừng tại thôn 8, xã Gia Phố (Hương Khê) xảy ra vào tháng 5/2020 là minh chứng khá rõ cho việc này.
Các đối tượng “đất tặc” khoét núi mở đường để thực hiện hành vi khai thác đất rừng trái phép ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê.
Để qua mặt lực lượng chức năng và khai thác một lượng đất trái phép rất lớn, các đối tượng đã khoét núi mở đường từ ngoài vào. Với cách khai thác này, người ngoài rất khó thâm nhập vì phải đi qua đường giao thông độc đạo mà các đối tượng khai thác đất đã làm ra. Ngoài ra, đối diện khu vực khai thác đất trái phép là một mỏ đất được cấp phép đang trong thời gian khai thác. Lối vận chuyển đất ra ngoài từ mỏ được cấp phép và điểm khai thác “chui” rất gần nhau nên nhiều người nhầm tưởng tất cả xe chở đất đều đi ra từ mỏ đã được quy hoạch.
Để có thể khai thác cát trên sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, các đối tượng đã đắp đường ra tận giữa lòng sông.
Cũng trong thời gian này, trên sông Ngàn Sâu, đoạn qua thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên (Hương Khê) cũng xảy ra vụ khai thác cát trái phép. Đáng nói, nhóm người đã ngang nhiên làm một tuyến đường ra giữa lòng sông rồi cho máy múc, xe tải chạy ra lấy cát.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT Lê Tài Tuấn, dù chưa phải là điểm nóng nhưng trong những năm qua, tình trạng khai thác đất, cát trái phép vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vấn nạn này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước mà còn gây sạt lở bờ sông, xáo trộn môi trường, gây bức xúc trong dư luận và dẫn tới nhiều hệ lụy khác.
Lợi dụng việc cải tạo vườn đồi, nhiều đối tượng đã khai thác, vận chuyển đất trái phép.
Với nạn “đất tặc”, các đối tượng thường lợi dụng việc các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, hạ cốt vườn đồi để làm trang trại hay khai thác theo chủ trương tận thu phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng lại tìm cách bán ra ngoài địa bàn nhằm trục lợi cá nhân.
Có thể dễ dàng “điểm tên” những địa phương thường xuyên để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép như: Thường Nga, Thượng Lộc, Phú Lộc, Mỹ Lộc, thị trấn Đồng Lộc, Gia Hanh (Can Lộc); An Dũng, Hòa Lạc, Tân Dân, Tân Hương (Đức Thọ); Sơn Lễ, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Quang Diệm, Sơn Tiến, Kim Hoa (Hương Sơn); Hương Thủy, Gia Phố, Hà Linh, Phúc Đồng (Hương Khê); Đức Giang, Đức Bồng, Đức Lĩnh (Vũ Quang); Lưu Vĩnh Sơn, Đỉnh Bàn, Ngọc Sơn, Thạch Ngọc (Thạch Hà)…
Ông Trần Đình Việt - Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết: Các đối tượng khi khai thác trái phép thường chọn những khu vực đất có chất lượng tốt lại dễ khai thác rồi tập hợp máy xúc, xe tải làm nhanh trong thời gian ngắn. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì cũng là lúc các ngọn đồi đã bị “băm nát”, hàng nghìn m3 đất đã bị đưa ra khỏi địa bàn, chỉ còn trơ lại những hố đất sâu hoắm, vách cao dựng đứng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là sạt lở về mùa mưa lũ.
Việc khai thác cát trái phép ở các dòng sông khiến đất 2 bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh chụp ở sông La, đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ.
Trong khi đó, việc khai thác cát trái phép thường xảy ra ở các địa phương: Quang Vĩnh, Tùng Ảnh, Hòa Lạc, Trường Sơn, Tùng Châu (Đức Thọ); Sơn Long, Sơn Tây (Hương Sơn); Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Giang (Nghi Xuân); Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy (Hương Khê); Cẩm Minh (Cẩm Xuyên)...
Các đối tượng hoạt động không có quy luật về thời gian, thường lợi dụng đêm tối, gần sáng, khu vực giáp ranh giữa các địa phương hoặc tỉnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Khi thực hiện hành vi trái pháp luật, các đối tượng luôn cử người theo dõi, nếu phát hiện thấy lực lượng chức năng thì điều khiển phương tiện bỏ chạy sang địa phương khác, gây khó khăn trong việc xử lý.
Cơ quan chức năng bắt giữ vụ khai thác cát trái phép ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.
“Việc khai thác cát trái phép đã tạo thành những vũng xoáy, làm thay đổi dòng chảy, hướng dòng nước xoáy vào bờ gây sạt lở hai bên bờ sông, cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất canh tác khiến người dân rất bức xúc”, ông Thái Sơn Vinh - Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho hay.
thiết kế: huy tùng