Bà Nguyễn Thị Di, một trong 203 hộ dân thôn 1, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) vẫn phải dùng nước giếng không đảm bảo cho sinh hoạt, ăn uống.
Tưởng rằng, gần quốc lộ 1A, người dân các xã Xuân Hồng, Xuân Lam sẽ có cơ hội thụ hưởng điều kiện sinh hoạt thuận lợi nhất, trong đó nước sạch là thứ không thể thiếu. Tuy nhiên, “Không biết đến năm nào người dân chúng tôi mới được sử dụng nước sạch, chưa bao giờ nghe được câu trả lời chính thức từ nhà máy” - chị Trần Thị Hồng, thôn 3, xã Xuân Hồng, bức xúc nói.
Trên địa bàn các xã Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián – nơi thường xuyên chịu cảnh dùng nước giếng nhiễm phèn, mùa hè, nhu cầu được dùng nước sạch cũng luôn là đề tài “nóng”. “Nhà máy nằm ở địa phương cận kề (thôn 8, Xuân Mỹ), nhưng điệp khúc “chờ” lại trở nên quen thuộc mỗi lần người dân Cổ Đạm đề xuất được đấu nối” – ông Hoàng Hùng ở thôn 2, xã Cổ Đạm cho hay.
Hệ thống bể lọc trên cao đảm bảo công suất thiết kế lên đến 7.000m3 ngày/đêm...
Giám đốc Chi nhánh cấp nước Nghi Xuân Phan Anh Thắng cho rằng: Năm 2011, Nhà máy nước Nghi Xuân có tổng số vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Mặc dù công suất thiết kế lên đến 7.000m3 ngày/đêm, nhưng hiện tại, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 1.700m3/ngày/đêm, nghĩa là chưa đạt 25% công suất. Ba năm lại nay, mỗi năm chi nhánh mở rộng thêm gần 300 khách hàng nhưng chủ yếu là "xen dắm”.
Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, nhà máy mới chỉ cung cấp cho gần 3.500 khách hàng tại 2 thị trấn Xuân An, thị trấn Nghi Xuân và 4 xã cận kề gồm: Xuân Giang, Xuân Viên, Xuân Thành, Xuân Mỹ. Ngoại trừ xã Xuân Viên có 100% hộ dùng nước sạch, 5 địa phương còn lại tỷ lệ người dân được dùng nước sạch rất ít, cho dù những xã này nằm cận kề nhà máy và đều có hệ thống đường ống chính đi qua. Trong đó, thị trấn Xuân An có 1.700/4.000 hộ được sử dụng nước sạch, Xuân Thành có 15%, Xuân Giang trên 30%, thị trấn Nghi Xuân 40%; đặc biệt, Xuân Mỹ - nơi nhà máy nước đứng chân, có dưới 10% người dân được dùng nước sạch.
...hệ thống van điều tiết nước
Nếu xét về dân số toàn huyện xấp xỉ 10 vạn dân, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch quá ít. Tất nhiên, trong số này có khá nhiều hộ “chung thủy” với nước giếng hoặc sử dụng nước mưa để… tiết kiệm chi phí. Và, dù chưa có một số liệu điều tra xã hội học chính xác nhưng theo khẳng định của người trong cuộc là: Hàng chục ngàn người ở Nghi Xuân hiện đang “khát” nước sạch.
Nguyên nhân là thiếu hụt nguồn kinh phí đầu tư hệ thống ống chính. Theo nhẩm tính của ông Thắng: “Đầu tư hệ thống cho 1 xã gần nhà máy mất không dưới 10 tỷ đồng, trong khi kinh phí hàng năm của chi nhánh chỉ dao động từ 100 – 200 triệu đồng. Tất cả kinh phí đều trông chờ ở cấp trên”.
Sản lượng cấp nước của nhà máy chỉ đạt 1.700m3/ngày/đêm.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh Võ Ngọc Vinh khẳng định: “Nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp khó “nới” rộng địa bàn vì “thu không đủ trả tiền lãi suất” chứ đừng nói đến việc có lãi. Hơn thế nữa, từ năm 2014 lại nay, công ty phải trả nợ và lãi suất ngân hàng cho những dự án đầu tư trước đó nên rất khó khăn. May nhờ chính sách tăng giá nước của tỉnh từ tháng 8/2017, doanh thu cuối năm mới đạt trên 90 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đủ tiền chi phí”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh: “Nhà máy nước đã được bàn giao, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp. Vì vậy, không thể dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ người dân dùng nước sạch được”.
Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong quan điểm của lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp, xem ra “giấc mơ” tối thiểu là được dùng nước sạch của người dân Nghi Xuân còn quá xa vời.