Ngành dệt may chịu nhiều áp lực khi tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tại phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia đầu tiên đầu tiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động, đề xuất mức tăng 13,3 % so với lương tối thiểu năm 2017. Đề xuất này tương đương với việc tăng từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 4 vùng lương.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho doanh nghiệp, đề xuất mức tăng 5%.
Để bảo vệ cho phương án tăng lương tối vùng năm 2018 ở mức 13,3%, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phân tích: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự báo năm 2017 tăng khoảng 5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm 2017 tăng 6,21% so với cùng kỳ năm 2016, dự báo cả năm tăng 6,7%. Đồng thời, khoảng 80% công nhân, lao động đang sống dưới mức sống tối thiểu. Vì vậy, mức tăng phải trên 13% mới phù hợp.
Trong khi đó, tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đa số các doanh nghiệp đều phản đổi việc tăng lương tối thiếu vùng năm 2018, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Lý do đưa ra là vì việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng quỹ lương, mức đóng BHXH và phí công đoàn; đồng thời giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng cao sẽ khiến người lao động không có động lực phấn đấu, vì năm nào cũng được tăng lương. Do đó, nên 2-3 năm mới tăng lương một lần.
Đại diện VCCI cho biết, đơn vị này đang tổng hợp ý kiến của các đơn vị, hiệp hội doanh nghiệp các ngành nghề để có bức tranh tổng thể về tác động của tăng lương tối thiểu vùng, nhất là liên quan đến việc tăng chí phí đầu vào, mức đóng BHXH… Theo thống kê, trong 5 năm lại đây, mức tăng lương tối thiểu vùng đều ở mức 7 đến 12 %, trong khi đó GDP tăng khoảng 6 % và năng suất lao động chỉ tăng 2 %.
Xét về quá trình lịch sử, trong ba năm trở lại đây, kể từ khi thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia theo cơ chế đàm phán giữa các bên, việc tranh luận để tìm ra mức tăng lương tối thiểu vùng luôn “nóng”. Theo đó, mức tăng lương tối thiểu vùng cao nhất là năm 2015 là 15,1%; năm 2016 là 12,4% và năm 2017 là 7,3%. Thậm chí năm 2017, để “né” báo chí, các phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia bố trí họp tại Hải Phòng và Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Trong 3 năm qua, đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về tăng lương tối thiểu luôn vì lý do chưa đảm bảo về mức sống tối thiểu, trong khi VCCI luôn cho rằng việc tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động. Do khác nhau về tiêu chí đề xuất tăng lương tối thiểu, nên các cuộc tranh luận luôn gay gắt và phương án dung hòa giữa các bên do Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định và bỏ phiếu biểu quyết.
Trả lời báo chí và doanh nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng: Lương tối thiểu vùng là mức lương sàn do Nhà nước quy định để đảm bảo mức sống của người lao động, trong khi đó lương phải dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Trong cơ chế thị trường, các bên đàm phàn về mức tăng lương tối thiểu vùng để từ đó tìm được điểm cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên”.
"Trên thực tế, nếu nâng tiền lương tối thiểu vùng lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp thì tất yếu sẽ giảm bớt lao động để tiết kiệm chi phí. Điều đó dẫn đến một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm. Trong khi đó, nếu lương tối thiểu tăng thấp sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động trong điều kiện trượt giá vẫn diễn ra", ông Doãn Mậu Diệp nhận định.
Theo quy chế của Hội đồng tiền lương Quốc gia, mỗi bên được quyền dừng một lần để bổ sung tài liệu, căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu. Nếu các bên không thống nhất được phương án chung và đã hết quyền xin dừng cuộc họp, Chủ tịch hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chủ động trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu để bỏ phiếu và trình Chính phủ.
Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, việc tăng lương tối thiểu vùng dựa trên tính toán về các chỉ số tăng giá sinh hoạt, năng suất, mức sống của người dân. Thực tế, mức tăng lương tối thiểu vùng tác động lớn đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, thủy sản. Mục tiêu tăng lương tối thiểu để cải thiện thu nhập của nhóm đối tượng có lương thấp nhất tại doanh nghiệp.