Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tình trạng đăng đáy, vó lưới đánh bắt thủy hải sản vi phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) ở Hà Tĩnh đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Video: Ông Nguyễn Trọng Anh - Trưởng phòng Quản lý ĐTNĐ, Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh trao đổi về vi phạm giao thông đường thủy nội địa.

Lâu nay, ông Trương Quang Dần (SN 1974, thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã đầu tư 2 vó cùng với hệ thống dây điện, bóng đèn để đánh bắt cá trên khu vực sông Nghèn. Tuy nhiên, vị trí đặt vó lại nằm trong phạm vi luồng giao thông ĐTNĐ trên tuyến sông này.

Ông Dần cho hay: “Dù biết vị trí đặt vó là lấn chiếm luồng lạch trên sông Nghèn nhưng đây là nghề sinh sống từ lâu nay. Bản thân tôi và người dân đã đầu tư nhiều tiền của, giờ tháo đi thì rất khó kiếm được công việc khác phù hợp....”.

Cùng với gia đình ông Dần thì 10 hộ dân khác ở xã Hộ Độ cũng lắp đặt vó cá đánh bắt thủy hải sản ở khu vực sông Nghèn. Theo xác định của ngành chức năng, vó cá của tất cả những hộ này đang vi phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ, gây ảnh hướng tới việc qua lại của tàu thuyền.

Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

Vó cá lấn chiếm luồng ĐTNĐ trên tuyến sông Nghèn, đoạn qua xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Với chiều dài 38,5 km, sông Nghèn là một trong những tuyến ĐTNĐ quốc gia được giao cho Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh quản lý.

Ghi nhận của Báo Hà Tĩnh cho thấy, tình trạng vi phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng giao thông ĐTNĐ trên tuyến sông Nghèn diễn ra khá phức tạp. Hành vi vi phạm phổ biến là vó cá, đăng đáy của người dân các xã: Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Mai Phụ (huyện Lộc Hà), Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà)... gây ảnh hướng tới việc qua lại của tàu thuyền. Thậm chí, nhiều hộ dân còn đóng cọc, kéo đường điện ra giữa lòng sông để phục vụ cho việc đánh bắt tôm, cá.

Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

Đăng đáy được đặt ra gần giữa lòng sông Nghèn, ảnh hướng tới việc đi lại của tàu thuyền.

Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Trương Bá Khanh cho biết: "Những năm qua, địa phương cũng nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người dân ký cam kết không được lấn chiếm lòng sông khi đánh bắt thủy hải sản nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Sự việc này kéo dài, nguyên nhân cũng do có phần hạn chế của chính quyền địa phương. Nhưng đây cũng là kế sinh nhai, nghề lâu đời của người dân nơi đây, vì vậy, để có chính sách chuyển đổi nghề cho những người dân đánh bắt trên sông, đảm bảo an sinh xã hội thì đòi hỏi nguồn lực và cần thời gian dài...".

Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

Người dân đóng cọc, kéo đường điện ra giữa sông để phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.

Không chỉ có sông Nghèn mà một số tuyến sông khác ở Hà Tĩnh như: Rào Cái (37 km), Gia Hội (26 km), kênh Nhà Lê (26 km)... cũng xảy ra tình trạng người dân sử dụng đăng đáy, vó cá, lấn chiếm lòng sông để đánh bắt thủy hải sản.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên các tuyến sông này, có hơn 100 hộ dân với 30 vó cá và 240 miệng đáy vi phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng giao thông ĐTNĐ. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

Vó lưới được đặt ngay giữa sông, dưới cầu Thạch Sơn - nối 2 xã Thạch Sơn (Thạch Hà) và Hộ Độ (Lộc Hà).

Ông Nguyễn Trọng Anh – Trưởng phòng Quản lý ĐTNĐ Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh xác nhận: "Tình trạng người dân sống vùng ven các tuyến sông lấn chiếm luồng lạch để đánh bắt tôm cá đã kéo dài nhiều năm. Cọc gỗ, dây neo, đường điện từ vó cá, đăng đáy gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại, nhất là vào thời điểm ban đêm, khi tầm nhìn bị hạn chế, dễ dẫn tới tai nạn đường thủy.

Đơn vị cũng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, yêu cầu dời dọn, loại bỏ các vó cá, đăng đáy nhưng chỉ có một số hộ dân chấp hành, còn phần lớn vẫn đang tồn tại".

Khó xử lý vi phạm hành lang đường thủy nội địa ở Hà Tĩnh

Chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý tình trạng vi phạm an toàn trên các tuyến sông, phát huy hiệu quả vận tải đường thủy ở Hà Tĩnh.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Anh, dù chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý việc lấn chiếm luồng lạch đường thủy nhưng chưa thực sự quyết liệt, dẫn tới tình trạng này vẫn tái diễn suốt nhiều năm.

“Dù là nghề truyền thống của người dân vùng ven sông nhưng việc sử dụng vó lưới, đăng đáy đánh bắt thủy hải sản cùng cần phải chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường thủy. Để phát huy hiệu quả vận tải đường thủy, đảm bảo ATGT đường thủy rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Trọng Anh nhấn mạnh.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.