Công nghệ biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng

Công ty khởi nghiệp Desert Control của Na Uy đã tìm ra giải pháp ngăn chặn sa mạc hóa hiệu quả bằng cách trộn cát với đất sét nano lỏng (LNC), biến nó thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng.

Công nghệ biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng

Ảnh minh họa: Unplash

Theo trang Oddity Central (Anh), trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã tôn vinh nhiều “anh hùng xanh” chiến đấu chống sa mạc hóa, áp dụng đủ loại kỹ thuật, từ cây bụi chịu gió lùa đến tạo hàng rào cây để chống xói mòn do gió. Nhưng giờ đây, một công ty khởi nghiệp tuyên bố đã thu được kết quả tốt hơn nhiều nhờ công nghệ mới trong cùng điều kiện khắc nghiệt và chỉ mất 7 tiếng.

Được phát minh vào đầu những năm 2000 bởi nhà khoa học Na Uy Kristian Olesen, đất sét nano lỏng là bí mật đằng sau những thành tựu đáng kinh ngạc của Desert Control. Khi trộn với cát, hỗn hợp đất LNC sẽ thấm vào cát, trở thành một loại đất giữ nước hiệu quả, giúp cây cối có thể nảy mầm và phát triển tươi tốt.

Suốt hàng nghìn năm qua, nông dân trên khắp thế giới đã sử dụng đất sét để tăng độ phì nhiêu cho đất. Trong số đó, đồng bằng sông Nile nổi tiếng phì nhiêu nhờ đất sét. Tuy nhiên, việc tạo ra đất sét dày, nặng kém màu mỡ luôn tốn nhiều công sức và thời gian. Và Desert Control đã vượt qua được rào cản đó, bằng cách giảm số lượng các hạt đất sét trong hỗn hợp đất sét nano lỏng.

Đất sét nano lỏng nghe có vẻ lạ, nhưng nó được tạo ra chỉ bằng nước và đất sét. Bí quyết của công ty chính là khả năng biến đất sét dày thành một chất lỏng “mỏng gần như nước”, sau đó phun lên cát, thấm vào lớp trên cùng đến vài chục cm. Từ đó, đất sét liên kết với các hạt cát và tạo thành một loại đất giữ ẩm, mặc dù không màu mỡ như đất sẫm màu, nhưng chắc chắn có thể hỗ trợ thực vật sinh sôi.

Công nghệ biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ chỉ trong 7 tiếng

Ảnh: Facebook

Desert Control hiện đang nhắm đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thị trường giàu có hiện phải nhập khẩu tới 90% lương thực do việc trồng trọt trong môi trường sa mạc rất khó khăn. Và công nghệ mới đã được chứng minh hiệu quả đáng kinh ngạc, khi biến một sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ.

Tuy nhiên, giải pháp đầy tiềm năng này vẫn còn tồn tại hạn chế về chi phí. Kênh CNN cho biết chi phí thực hiện dao động từ 2 -5 USD/mét vuông. Nếu xét đến những khu vực rộng lớn cần được xử lý bằng đất sét nano lỏng là không hề rẻ. Tuy nhiên, Desert Control có kế hoạch phát triển các cơ sở có khả năng sản xuất một lượng lớn đất sét nano lỏng, điều này sẽ giúp chi phí giảm đi đáng kể.

Ông Ismahane Elouafi, Tổng giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế ở Dubai, cho biết: “Nếu công ty này có thể giảm giá và điều chỉnh chiến lược phù hợp với những nước có thu nhập thấp nhất, giải pháp này có thể có tác động thực sự lớn đến an ninh lương thực và khả năng trồng trọt. Lợi ích có thể là rất lớn”.

Với 12 triệu ha đất màu mỡ bị sa mạc hóa mỗi năm, giải pháp của Desert Control dường như không có gì là kỳ diệu. Nhưng việc có thể biến cát thành đất trồng cây chỉ trong 7 tiếng lại là một bước tiến đáng kinh ngạc. Theo Desert Control, đất sét nano lỏng sẽ có hiệu quả kéo dài khoảng 5 năm, sau đó loại đất nhân tạo này cần tiếp tục được tái tạo.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.
Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Siêu bão Yagi đổ bộ: Nhiệt độ nước biển ở Biển Đông ấm bất thường là một trong những lý do chính khiến siêu bão Yagi có tốc độ tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng.
Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đang tiến hành thiết kế một đội robot thăm dò dưới nước để đo tốc độ tan chảy của các dải băng lớn chung quanh Nam Cực; từ đó đưa ra những đánh giá tác động của tình trạng nói trên với hiện tượng nước biển dâng cao.
Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Nhóm nhà vật lý tại Đại học Arizona phát triển kính hiển vi điện tử nhanh nhất thế giới, có thể chụp electron di chuyển với tốc độ 7.920.000 km/h.