Sao chổi rộng 160 km sắp lao qua Trái Đất

Sao chổi C/2017 K2 lớn hơn thiên thạch xóa sổ khủng long đang lao về phía Trái Đất và có thể quan sát bằng kính thiên văn nhỏ.

Sao chổi rộng 160 km sắp lao qua Trái Đất

Sao chổi C/2017 K2 chụp vào năm 2017 bằng kính Hubble. Ảnh: NASA

Sao chổi C/2017 K2 được phát hiện vào năm 2017 bởi kính viễn vọng Pan-STARRS ở Hawaii và theo dõi bằng đài quan sát Hubble trong cùng năm. Sao chổi này lập kỷ lục vào thời điểm đó, trở thành sao chổi hoạt động ở xa nhất, cách Mặt Trời 2,4 tỷ km, ngoài quỹ đạo của sao Thổ.

Khi đó, C/2017 K2 đã phát triển vệt đuôi rộng gần 129.000 km trong lúc tới gần Mặt Trời. Nói cách khác, đám mây bụi của sao chổi lớn gần bằng sao Mộc. 5 năm sau, ngôi sao chổi đã ở gần Trái Đất hơn và sẽ bay qua hành tinh trong vài tuần tới.

Nó sẽ tới điểm gần Trái Đất nhất hôm 14/7, theo EarthSky. Dù vậy, C/2017 K2 vẫn sẽ bay xa Trái Đất hơn sao Mộc và không thể quan sát bằng mắt thường. Sao chổi này sẽ tiếp tục bay về phía Mặt Trời và tới điểm gần ngôi sao nhất trong tháng 12/2022.

Các nhà khoa học không biết chắc về độ lớn của C/2017 K2, nhiều khả năng nó có kích thước khổng lồ. Quan sát ban đầu xác nhận ngôi sao chổi rộng 160 km, lớn hơn thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng. Vào ngày 14/7, nó sẽ nằm gần cụm sao cầu Messier 10.

Về cơ bản, sao chổi là những khối cầu đá, bụi và khí đóng băng quay quanh Mặt Trời. Bất cứ khi nào tới gần Mặt Trời, chúng sẽ ấm lên, phun bụi và khí vào không gian. Đám mây bụi và khí này tạo ra vệt đuôi đặc trưng cho sao chổi.

Sao chổi tương đối hiếm so với tiểu hành tinh và thiên thạch. Theo NASA số lượng sao chổi đã biết hiện nay là 3.743. Chỉ có rất ít sao chổi có thể quan sát bằng mắt thường như sao chổi Hale-Bopp và Hyakutake.

Theo An Khang/VNE (Newsweek)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast